Thế giới

Châu Âu đang nhập tới 98% nguyên liệu thô từ Trung Quốc

Các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức, hiện đang nỗ lực hết sức nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô từ thị trường Trung Quốc.

Kể cả khi Liên minh châu Âu (EU) cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá của Nga sau khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, khu vực này cũng phải nhập các khoáng sản quan trọng và đất hiếm từ Trung Quốc để cấp cho các tuabin gió, xe điện, pin mặt trời và chất bán dẫn, phục vụ cho quá trình chuyển đổi và số hóa năng lượng.

Để tránh phải “đau đầu”

Các nước châu Âu phải nhập khẩu từ 75-100% các loại kim loại. Trong số 30 nguyên liệu thô mà EU phân loại là quan trọng, 19 nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách này bao gồm magiê, đất hiếm và bitmut mà Trung Quốc có độc quyền trên thực tế, đáp ứng tới 98% nhu cầu của EU.

Sự phụ thuộc này thậm chí có thể tăng lên trong tương lai. EU cho rằng chỉ riêng nhu cầu coban sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Nhu cầu lithi dự kiến sẽ tăng gấp 18 lần vào năm 2030 và gấp 60 lần vào năm 2050.

Với tốc độ gia tăng của quá trình số hóa và chuyển đổi năng lượng, nhu cầu về những nguyên liệu thô như vậy chắc chắn sẽ tăng hơn nữa, nhưng hoạt động khai thác chỉ tập trung ở một số khu vực trên thế giới.

Điều này có nghĩa là một ngày nào đó, Trung Quốc có thể khiến EU đau đầu, đặc biệt là khi Trung Quốc có kế hoạch giảm xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng trong vòng 5 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng.

Các nước châu Âu gần đây đã tăng cường nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng địa phương và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.

Tàu chở đất hiếm xuất khẩu ở Trung Quốc. Ảnh: Euractive

EU đã thành lập Liên minh Nguyên liệu thô Châu Âu (ERMA), nhằm tăng cường an ninh nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo việc làm và thu hút đầu tư vào chuỗi giá trị nguyên liệu thô. Đến năm 2030, các hoạt động của ERMA dự kiến sẽ tăng cường sản xuất các nguyên liệu thô và tiên tiến, đồng thời giải quyết vấn đề kinh tế tuần hoàn bằng cách thúc đẩy thu hồi và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng.

Ủy ban Châu Âu cũng đã thực hiện một số sáng kiến liên quan đến vấn đề này, bao gồm việc tăng cường đầu tư vào nền kinh tế tuần hoàn, nhằm mục đích giảm nhu cầu đối với các nguyên liệu thô quan trọng, đồng thời tái chế các nguyên liệu thô đã được chế biến trong các sản phẩm.

Nguyên tắc này đã được ghi trong một số điều luật của EU, ví dụ như quy định rằng một phần trăm trọng lượng nhất định của pin phải được tái chế để phục hồi nguyên liệu thô.

Đặc biệt, tỉ lệ tái chế đất hiếm hiện tại vẫn ở mức dưới 4%. Ủy ban châu Âu nhận thấy đây là cơ hội để cải thiện việc thu hồi nguyên liệu thô, đặc biệt là trong lĩnh vực này.

Nỗ lực của Anh và Đức

Trong khi đó, Vương quốc Anh và Đức cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tháng trước, Vương quốc Anh đã công bố Chiến lược Khoáng sản Quan trọng, đặt ra kế hoạch đảm bảo chuỗi cung ứng bằng cách tăng cường nội lực, thu hút đầu tư và đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu với các đối tác quốc tế của quốc gia này.

Quá trình sản xuất pin xe điện cần rất nhiều coban và các nguyên liệu thô khác mà EU phải nhập khẩu. Ảnh: DW

Chính phủ Đức cũng cho biết, họ đang hợp tác chặt chẽ với EU nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc một chiều vào Trung Quốc.

Bộ Kinh tế Đức cũng đang khẩn trương xây dựng một chiến lược nguyên liệu thô mới với mục đích mở rộng khai thác trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong nhiều năm qua, Đức đã cố gắng đa dạng hóa việc nhập khẩu nguyên liệu thô của mình.  Thay vì duy trì sự phụ thuộc đơn phương vào các nước như Trung Quốc và Nga, chính phủ Đức có kế hoạch mở rộng hợp tác với các quốc gia không phải phương Tây khác và khuyến khích các công ty Đức đầu tư vào các nước thứ ba này.

Nguyễn Tuyết (Theo Oil Price, DW, Euractive)