Thế giới

Châu Âu có thể giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhanh hơn dự kiến

Thủ tướng Italy Mario Draghi chia sẻ: “Chúng tôi có khí đốt dự trữ và sẽ có nguồn khí mới từ các nhà cung cấp khác".

Thủ tướng Italy Mario Draghi mới đây đã nhận định châu Âu có thể đa dạng hóa các nguồn năng lượng khỏi Nga nhanh hơn dự kiến, bằng cách tìm kiếm các thỏa thuận cung cấp mới và các biện pháp khác.

Ông Draghi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Italy Corriere della Sera rằng nước này đã ký một thỏa thuận với Algeria về cung cấp 9 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, tương đương khoảng một phần ba lượng mà Italy nhập khẩu từ Nga. Thỏa thuận giúp Italy giảm sự phụ thuộc vào Moscow trong việc nhập khẩu năng lượng, các nước khác cũng sẽ làm theo.

Ông Draghi, từng nắm chức vụ chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết: “Việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng có thể thực hiện được trong một thời gian tương đối ngắn, ngắn hơn cả những gì mà chúng ta tưởng tượng chỉ một tháng trước”.

Châu Âu đã phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để đáp ứng các yêu cầu về năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021 Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối và gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt toàn EU.

Ông Draghi nhận định, Italy có “vị thế tốt” để ứng phó với mùa đông và bất kỳ sự suy giảm nào trong sản xuất công nghiệp, nước này đang tập trung vào việc cắt giảm nguồn cung của Nga.

Thủ tướng Italy nói: “Chúng tôi có khí đốt dự trữ và sẽ có nguồn khí mới từ các nhà cung cấp khác"; “Chúng tôi đang nói về việc hạ nhiệt độ sưởi từ một đến hai độ, máy điều hòa không khí cũng thực hiện các điều chỉnh tương tự”.

Thủ tướng Italy Mario Draghi tham dự một cuộc họp báo cuối năm. Ảnh: Getty Images.

Vào tháng trước, cơ quan IEA đã đề xuất một số biện pháp mới giúp EU giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong bối cảnh nước này đang xảy ra xung đột với Ukraine. Những đề xuất mới bao gồm chấm dứt các hợp đồng cung cấp khí đốt mới từ Nga, thay thế nguồn cung khí đốt của Nga bằng khí đốt từ các nguồn khác, thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo cũng như tăng cường sản xuất điện từ các nhà máy năng lượng sinh học và hạt nhân, v.v.

Thúc đẩy thay thế nồi hơi khí gas bằng máy bơm nhiệt, tăng tốc cải thiện hiệu quả năng lượng trong xây dựng và công nghiệp cũng được đưa vào đề xuất.

Thủ tướng Italy Draghi nói: “Chính phủ đã phê duyệt các quy định về mở cửa đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi sẽ triển khai những biện pháp khác trong thời gian ngắn, ”; “Mục tiêu là đảm bảo tốc độ tối đa trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cho đến nay, trở ngại cơ bản là tính chất quan liêu, ủy quyền. Chúng tôi không cho phép những điều như vậy nữa”.

Ông Draghi cho biết: “Việc áp trần giá khí đốt của Nga theo đề xuất của Italy là một giải pháp để tăng cường các biện pháp trừng phạt, đồng thời giảm thiểu chi phí v.v. Chúng tôi không còn muốn phụ thuộc vào khí đốt từ Nga”.

Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm giảm doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng. Vào tuần trước, IEA dự báo khoảng 3 triệu thùng/ngày sản xuất của Moscow có thể bị gián đoạn kể từ tháng 5 tới, trong bối cảnh nhiều nước tránh mua dầu thô từ nước này do liên quan đến các lệnh trừng phạt.

Vào hôm 14/4, Tổng thống Vladimir Putin cho biết sẽ tìm cách để chuyển xuất khẩu năng lượng sang châu Á, trong bối cảnh châu Âu đang cố giảm sự phụ thuộc xuất khẩu năng lượng của Nga.

Phạm Hà Thanh (theo The National News, Yahoo.finance)