Thế giới

Châu Âu có thể cầm cự nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đứt?

"Đây là lúc khu vực này nhận ra mình đã phụ thuộc nhiều thế nào vào khí đốt của Nga".

Mỹ và các đồng minh đang chạy đua để đưa ra các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga – một nguồn cung cực kỳ quan trọng đối với việc cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp và hệ thống sưởi ấm cho các ngôi nhà ở châu Âu – bị tắc nghẽn do xung đột ở Ukraine, trang CNN bình luận.

Theo CNN, châu Âu sẽ phải vật lộn để cầm cự trong một thời gian dài nếu không có khí đốt từ Nga, và việc tìm kiếm các nguồn thay thế là một thách thức lớn về mặt hậu cần. Những thực tế này làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận năng lượng của châu lục trong một mùa đông vốn đã khắc nghiệt.

"Thực sự là không có giải pháp thay thế nào nhanh chóng và dễ dàng", Janis Kluge, một chuyên gia về Đông Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức (SWP) cho biết.

Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với các phóng viên trong tuần này rằng, họ đang đàm phán với một số quốc gia và tập đoàn năng lượng về việc tăng sản lượng. Họ cũng đang cố gắng xác định các nguồn cung khí đốt tự nhiên thay thế có thể được chuyển hướng đến châu Âu.

Tuy nhiên, việc thực hiện một sự can thiệp lớn như vậy vào thị trường năng lượng sẽ rất khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác từ các nhà xuất khẩu khí đốt lớn như Qatar, vốn có thể không còn nhiều công suất rảnh rỗi. Ngoài ra, các đường ống mới và các cơ sở hóa lỏng khí cũng phải mất nhiều năm để xây dựng.

Thêm vào đó, nguồn cung năng lượng ở châu Âu đang gặp nhiều căng thẳng. Tồn kho thấp và giá khí đốt tăng cao lên các mức kỷ lục trong lịch sử đã làm dấy lên lo ngại trong nhiều tháng nay rằng, nếu mùa đông trở nên lạnh bất thường, các quốc gia sẽ phải triển khai nhiều trợ giúp hơn cho các khách hàng và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có thể phải phân bổ tiếp cận điện năng.

Công nhân làm việc tại trạm đo khí đốt. Ảnh: New Europe

Nikos Tsafos, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết những gián đoạn nguồn cung nhỏ sẽ bẻ cong nhưng không phá vỡ hệ thống. Tuy nhiên, nếu tình huống xấu nhất xảy ra, trong đó khí nguồn cung đốt từ Nga biến mất hoàn toàn, sẽ là một câu chuyện khác.

"Việc chặt đứt nguồn cung khí đốt qua Ukraine là điều khó khăn nhưng có thể làm được", Tsafos cho biết. "Việc cắt đứt hoàn toàn lượng xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ là một thảm họa. Châu Âu sẽ không có cách nào thay thế toàn bộ khối lượng đó".

Hậu quả của quá phụ thuộc vào một nguồn cung

Cuộc vật lộn để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu cho thấy rõ cách châu lục này phụ thuộc vào Nga để đáp ứng nhu cầu của mình.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, năm 2020, Nga phụ trách khoảng 38% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), tương đương gần 153 tỷ m3.

Đức - nền kinh tế lớn nhất của khu vực - đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra.

"Việc Đức chuyển đổi khỏi năng lượng hạt nhân, than đá và cuối cùng là dầu mỏ hoàn toàn nằm trong tay Nga, vì năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng", nhà ngoại giao EU Albrecht Rothacher cho biết.

"Đây là lúc khu vực này nhận ra mình đã phụ thuộc nhiều thế nào vào khí đốt của Nga", Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết.

Khí đốt tự nhiên có thể được tích trữ, nhưng lượng tồn kho ở châu Âu đang ở mức thấp hơn bình thường, một phần do Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang “lục địa già” từ cuối năm ngoái.

Đức đã cho đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này vào ngày cuối cùng của năm 2021. Ảnh: Al Jazeera

Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết đầu tháng này rằng, tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đã cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu 25% so với cùng kỳ năm 2020 trong quý IV/2021 mặc dù giá thị trường cao.

Trang CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế lớn nếu nước này quyết định vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình. Họ lưu ý rằng, doanh thu xuất khẩu dầu và khí đốt mang lại cho Nga một nửa ngân sách liên bang.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ vẫn lo ngại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có thể lựa chọn tận dụng quyền kiểm soát nguồn cung khí đốt của nước này để gia tăng sức ép lên châu Âu nếu xung đột leo thang, làm xói mòn sự ủng hộ của người dân đối với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Công tác chuẩn bị cũng đang được tiến hành trong trường hợp đường ống ở Ukraine bị hư hại do giao tranh ở đó.

LNG có thể giúp châu Âu đến đâu?

Một lựa chọn để duy trì nguồn cung của châu Âu là đón các chuyến tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chuyển hướng sang châu lục này.

Tháng trước, khoảng 10 chuyến tàu vận chuyển LNG, vốn đích đến ban đầu dự kiến là châu Á, đã được chuyển hướng sang châu Âu do các nhà sản xuất bị hấp dẫn bởi mức giá cao hơn ở “lục địa già”.

Châu Âu sẽ nhận được một lượng LNG kỷ lục trong tháng 1, theo Alex Froley, một nhà phân tích thị trường LNG tại Independent Commodity Intelligence Services.

Nhưng sẽ cần nhiều LNG hơn nữa nếu nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm mạnh. Điều đó khó có thể đảm bảo, trong bối cảnh thị trường LNG vốn cũng đang căng thẳng.

"Sản lượng LNG toàn cầu đã không còn nhiều", Froley nói, cho biết thêm rằng việc thay đổi các tuyến đường thương mại cũng có thể "gây căng thẳng cho thị trường vận tải biển".

Một số tàu chở LNG, vốn có đích đến ban đầu là châu Á, đã được chuyển hướng sang châu Âu để giúp châu lục này xoa dịu khủng hoảng năng lượng. Ảnh: DW

Mỹ, quốc gia trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào tháng 12, có thể tăng nguồn cung. Qatar, quốc gia đã vận chuyển LNG đến châu Á nhiều hơn 5 lần so với châu Âu vào tháng 12, cũng có thể làm được điều tương tự.

Một nguồn tin am hiểu về tình hình nói với CNN hôm 26/1 rằng, Qatar có thể gửi một số lô LNG chưa được phân bổ đến châu Âu, nhưng để giao dịch được thực hiện, các khách hàng hiện tại sẽ phải đồng ý hoãn đơn đặt hàng của họ.

Điều này có thể được thực hiện thông qua hành động ngoại giao của Mỹ và châu Âu, nguồn tin cho biết thêm.

Trung Quốc và Nhật Bản là những nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, theo IEA.

Chuyên gia năng lượng Tsafos tại CSIS cho biết, các lô hàng LNG có thể được sử dụng để xoa dịu tác động của việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga, nhưng việc vận chuyển LNG đến các quốc gia ở châu Âu đang cần nguồn cung này nhất sẽ đòi hỏi hệ thống hậu cần phức tạp.

Trong một báo cáo được công bố trong tuần này, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels lưu ý rằng, mặc dù bán đảo Iberia là nơi tập trung nhiều cảng nhập khẩu LNG, sẽ không dễ dàng để đưa thêm khí đốt đến phần còn lại của châu Âu thông qua các đường ống hiện có do các giới hạn về công suất.

Tính đến tình huống xấu nhất

Hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều sẽ xảy ra nếu nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu bị cắt đứt hoàn toàn. Trong trường hợp đó, sẽ không thể lấp đầy khoảng trống đó trong những tháng tới, do vai trò to lớn của Nga trong hệ sinh thái năng lượng của khu vực.

“Mùa đông này, không có giải pháp nào khác ngoài việc tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga”, chuyên gia về Đông Âu Kluge tại SWP cho biết.

Nga được cho là sẽ không thực hiện điều khiến căng thẳng leo thang và làm châu Âu đoàn kết chống lại mình.

"Kịch bản tồi tệ nhất về việc Nga ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang EU vẫn rất khó xảy ra, vì điều đó nghĩa là Gazprom của Nga sẽ vi phạm hợp đồng trên diện rộng", Henning Gloystein, giám đốc chương trình năng lượng của công ty tư vấn Eurasia Group, nói với khách hàng hôm 27/1.

Điều này sẽ "phá tan mọi ảo tưởng của EU rằng Nga là một nhà cung cấp đáng tin cậy" và có thể sẽ kích hoạt một "nỗ lực phối hợp" trong khối để "giảm đều đặn nhập khẩu khí đốt từ Nga càng sớm càng tốt", ông cho biết thêm.

Công nhân đậy nắp một đường ống tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gần Kingisepp, Vùng Leningrad, Nga, ngày 5/6/2019. Ảnh: National Review

Nhưng với sự khó đoán của ông Putin, các lãnh đạo chính phủ đang cố gắng chuẩn bị cho mọi khả năng.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre nói với CNN hôm 26/1 rằng, việc Nga "chơi trò chơi khí đốt" với phương Tây "không phải là một con đường khả thi".

Na Uy, quốc gia cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu và gửi phần lớn lượng khí đốt đó thông qua các đường ống dẫn dưới biển, sẽ "cung cấp khí đốt ở mức tối đa có thể", Thủ tướng Na Uy cho biết thêm.

Minh Đức (Theo CNN, DW)