Thế giới

Châu Âu cho Ukraine hy vọng về nhiều thứ, trừ vũ khí

Các nhà lãnh đạo EU khẳng định không thúc ép Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga. Còn Điện Kremlin cho rằng việc bơm thêm vũ khí cho Ukraine là vô ích.

Trong chuyến thăm thời chiến đầu tiên tới Kyiv hôm 16/6, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã đập tan những nghi ngờ về sự ủng hộ của họ đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng khi nói đến những loại vũ khí mà Ukraine xin viện trợ thì lại là câu chuyện khác, tờ New York Times cho biết.

Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Romania, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đều nhất trí ủng hộ việc thúc đẩy ông Zelenskyy thực hiện bước đầu tiên để Ukraine trở thành thành viên EU, một động thái nhằm xác định lại Ukraine là một phần không thể thiếu của châu Âu chứ không phải là một quốc gia vùng đệm an ninh giữa châu Âu và Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông và các nhà lãnh đạo đồng cấp đã đến Kyiv “với một thông điệp rõ ràng: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, dự kiến trong ngày 17/6 sẽ có lời chính thức về tư cách ứng cử viên của Ukraine. Nhưng ngay cả khi Ukraine đã được cấp tư cách ứng viên, quá trình phê duyệt để nước này trở thành thành viên của khối có thể mất nhiều năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis gặp Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy tại Kyiv, ngày 16/6/2022. Ảnh: New York Times

Không có cam kết quan trọng nào

về viện trợ vũ khí

Các nhà lãnh đạo EU có mặt trong chuyến thăm hôm 16/6, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cực lực phản bác những ám chỉ rằng họ muốn nhanh chóng kết thúc xung đột Nga-Ukraine thông qua đàm phán, bất chấp việc Kyiv phải nhượng bộ trước Moscow về vấn đề lãnh thổ.

“Điều tôi muốn nói hôm nay là Ukraine phải thắng trong cuộc chiến này”, ông Macron nói.

Chuyến thăm đã tạo ra phản ứng trái chiều ở Ukraine, khi quốc gia này tiến gần hơn đến mục tiêu được mong đợi từ lâu là tư cách ứng cử viên EU, nhưng không đạt được cam kết quan trọng nào về viện trợ vũ khí tầm xa hơn để vượt qua lợi thế pháo binh áp đảo của Nga trên mặt trận Donbass, miền Đông Ukraine, nơi giao tranh đang mỗi ngày một ác liệt.

“Chúng tôi mong đợi những đợt viện trợ quân sự mới, đặc biệt là về vũ khí hạng nặng, pháo phản lực hiện đại và hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Zelensky nói. “Mỗi đợt viện trợ đều sẽ cứu mạng mọi người. Và mỗi ngày các quyết định bị trì hoãn lại là một cơ hội để quân Nga tiêu diệt Ukraine”.

Ông Macron cho biết, Pháp sẽ cung cấp thêm 6 hệ thống lựu pháo tự hành bánh lốp Caesar trong những tuần tới, bên cạnh 12 hệ thống đã được bàn giao. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 108 lựu pháo tầm xa và trong tuần này đã hứa sẽ cung cấp thêm một số hệ thống nữa.

Tuy nhiên, số lượng vũ khí đã bàn giao và hứa bàn giao trên chỉ là một phần nhỏ trong số 1.000 hệ thống lựu pháo mà Ukraine cần để có thể đấu tay đôi với Nga ở miền Đông, theo lời một cố vấn của ông Zelenskyy.

Các cam kết của phương Tây về các hệ thống pháo phản lực, xe tăng và các thiết bị khác cũng không đáp ứng được yêu cầu của Ukraine.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar từng nói, Kyiv mới chỉ nhận được 10% số vũ khí mà nước này yêu cầu từ phương Tây.

Binh sĩ Ukraine sửa chữa một chiếc xe tăng của quân đội ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 7/6/2022. Ảnh: NPR

Reuters hôm 16/6 đưa tin về phản ứng của Nga đối với chuyến thăm của các lãnh đạo EU tới Kyiv.

Theo Reuters, trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 16/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hy vọng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ý sẽ không chỉ thảo luận về việc cung cấp vũ khí trong chuyến thăm của họ tới Kyiv, mà còn "thúc đẩy Tổng thống Zelenskyy có cái nhìn thực tế về tình hình hiện tại".

"Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ... sẽ không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine bằng cách bơm thêm vũ khí cho nước này”, ông Peskov nói. "Điều đó hoàn toàn vô nghĩa, nó sẽ kéo dài sự đau khổ của người dân và gây ra những thiệt hại mới cho đất nước".

Triển vọng đàm phán hòa bình

vẫn rất xa vời

Quả thực, chuyến thăm Kyiv này bị phủ bóng bởi những câu hỏi về việc liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có thúc ép ông Zelenskyy theo đuổi một thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Nga Putin hay không, khi chính phủ nhiều nước châu Âu đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về chi phí cho một cuộc xung đột kéo dài và nguy cơ châu Âu phải can dự sâu hơn vào đó, tờ New York Times bình luận.

Theo New York Times, Điện Kremlin dường như đã gửi một cảnh báo kinh tế tới các nhà lãnh đạo EU hôm 16/6, khi tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của châu Âu trong ngày thứ hai liên tiếp, khiến giá khí đốt leo thang.

Ông Zelenskyy cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã trực tiếp thảo luận với ông về triển vọng đàm phán với Moscow. Tuy nhiên, ông cho rằng đàm phán sẽ không giúp kết thúc giao tranh ở giai đoạn này.

“Chúng tôi đã đề cập đến chủ đề nỗ lực ngoại giao của các quốc gia khác nhau nhằm đạt được hòa bình”, ông Zelenskyy nói. “Mọi người đều thấy trở ngại duy nhất cho tất cả những nỗ lực này là sự không sẵn lòng của Liên bang Nga đối với các cuộc đàm phán thực sự”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ở Kyiv, Ukraine ngày 16/6/2022. Ảnh: Al Jazeera

Ông Oleksiy Honcharenko, một thành viên của Quốc hội Ukraine, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, ông không cho rằng châu Âu mang lời hứa về tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine ra làm điều kiện để thúc ép chính phủ của ông Zelenskyy tiến tới các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Nhưng một số quan chức Ukraine khác, ví dụ như ông Viktor Andrusiv, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, lại thực sự cho là như vậy.

Ông Andrusiv đã viết trên mạng xã hội: “Các ông Macron, Scholz và Draghi vừa đưa cho chúng tôi tư cách ứng cử viên EU, vừa yêu cầu chúng tôi quay lại bàn đàm phán với ông Putin”.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định, họ không thúc ép ông Zelenskyy chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Moscow, thay vào đó họ tuân theo lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden rằng Ukraine sẽ tự quyết định thời gian và cách thức đàm phán.

“Chúng tôi đang và chúng tôi sẽ ở bên cạnh các vị về lâu dài để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do của các vị”, ông Macron nói với ông Zelenskyy. "Đây là mục tiêu của chúng tôi, chúng tôi không có mục tiêu nào khác, và chúng ta sẽ đạt được nó".

Được các phóng viên đặt câu hỏi về bình luận gần đây của ông rằng Ukraine và các đồng minh của Kyiv không nên "làm bẽ mặt Nga" để nâng cao cơ hội ngoại giao, ông Macron nói rằng những lời của ông đã bị hiểu sai.

Ông nói, Pháp đã phạm sai lầm tương tự với Đức khi Pháp và các đồng minh áp đặt các điều khoản trừng phạt lên Đức sau Thế chiến I, điều thường được coi là đã gieo mầm cho cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo (Thế chiến II).

“Pháp đã phạm một sai lầm lịch sử: Mất hòa bình, vì muốn làm bẽ mặt Đức”, ông Macron nói.

Theo ông, khi cuộc xung đột hiện tại kết thúc, Ukraine không được “phạm phải những sai lầm mà những nước khác đã mắc phải trong quá khứ”.

Thủ tướng Đức Scholz đã cùng Tổng thống Pháp Macron bác bỏ những nghi ngờ cho rằng châu Âu đang thúc ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

“Chỉ có Ukraine - Tổng thống, chính phủ, Quốc hội, người dân Ukraine - mới có thể quyết định điều gì là đúng đắn trong bối cảnh viễn cảnh về một thỏa thuận hòa bình vẫn còn rất xa vời”, ông Scholz nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đến thăm thị trấn Irpin ở ngoại ô thủ đô Kyiv, ngày 16/6/2022. Nơi đây từng là tuyến đầu chứng kiến giao tranh ác liệt giữa Ukraine và Nga. Ảnh: Al Jazeera

Các nhà lãnh đạo 4 nước châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng Mario Draghi của Ý và Tổng thống Klaus Iohannis của Romania, cũng đã đến Irpin, một vùng ngoại ô của Kyiv, nơi các nhà điều tra đang xem xét các báo cáo cáo buộc Nga thực hiện các hành vi tàn bạo đối với dân thường trong thời gian Quân đội Nga đóng ở khu vực này. Moscow đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Minh Đức (Theo New York Times, Reuters)