Thế giới

ChatGPT kêu gọi Nga, Ukraine ngừng bắn ngay lập tức

Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT thừa nhận rằng việc tìm ra giải pháp cho xung đột Nga-Ukraine, có thể được cả 2 bên chấp nhận, là một thách thức.

ChatGPT, một chatbot trí tuệ nhân tạo (AI), đang là xu hướng mới nhất trên mạng xã hội và gây chú ý với khả năng đáng kinh ngạc của nó. Nó được biết đến với khả năng cung cấp câu trả lời chi tiết cho các lập luận lịch sử cho các bài thơ về tiền điện tử.

Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, một số người dùng Internet đã chia sẻ cuộc trò chuyện của họ với chatbot này.

Khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu dừng lại, và một giải pháp ngoại giao là rất xa vời, cựu thư ký ngoại giao và nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup đã hòa mình vào xu hướng “hot” nhất trên mạng xã hội: Yêu cầu chatbot AI đưa ra một kế hoạch hòa giải cho Nga-Ukraine.

Mặc dù ChatGPT thừa nhận rằng việc tìm ra giải pháp cho xung đột Nga-Ukraine, có thể được cả 2 bên chấp nhận, là một thách thức. Nhưng nó vẫn gợi ý một giải pháp 8 điểm khả thi.

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 5/3, ông Swarup – tác giả có cuốn tiểu thuyết đầu tay được chuyển thể thành phim đoạt giải Oscar “Slumdog Millionaire” (Triệu phú khu ổ chuột) – đã chia sẻ giải pháp của ChatGPT mà ông nhận được.

Cựu thư ký ngoại giao và nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup đã yêu cầu ChatGPT đưa ra một kế hoạch hòa giải cho Nga-Ukraine. Ảnh chụp ông Swarup hồi tháng 6/2022. Ảnh: Canada India Research

Trong giải pháp hòa bình của mình, ChatGPT cho rằng các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của 2 nước nên là bước đầu tiên để giải quyết xung đột. Nó gợi ý rằng các cuộc đàm phán nên nhằm mục đích tìm ra tiếng nói chung và thiết lập một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai. Và để làm được điều đó, cả 2 bên phải đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, rút quân khỏi khu vực xung đột và thành lập khu phi quân sự dọc biên giới.

Chatbot cũng cho rằng cần có giám sát quốc tế về việc thực hiện các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán. Ngoài ra, nó cũng kêu gọi hỗ trợ kinh tế từ các tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để giúp ổn định nền kinh tế Ukraine.

Phản ứng trước bài đăng trên Twitter của ông Swarup, ông Shashi Tharoor, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ về các vấn đề đối ngoại, cho rằng sáng kiến của nhà văn Ấn Độ là thú vị, nhưng “trong các cuộc xung đột, các nhà lãnh đạo là những người phi lý theo những cách vượt quá tầm hiểu biết của AI”.

“Trong trường hợp cụ thể này, tôi có thể nghĩ ra một số sự phản đối từ cả 2 phía đối với giải pháp của ChatGPT. Nhưng đó là một thử nghiệm tuyệt vời”, ông Tharoor nói thêm.

Nga đã phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hôm 24/2/2022, bắt đầu cuộc chiến khốc liệt nhất trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II.

Minh Đức (Theo NDTV, Eurasia Review)