Tài chính - Ngân hàng

"Chất lượng tài sản VIB vẫn an toàn dù giá bất động sản giảm 30-40%"

Theo Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, tỉ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm của VIB là 43%, nếu thị trường bất động sản giảm 30 - 40% thì chất lượng tài sản VIB vẫn an toàn.

Sáng 15/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) đã là ngân hàng đầu tiên tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên trong năm nay.

Một nội dung đáng chú ý tại đại hội là việc xin ý kiến tăng vốn điều lệ lên 25.368 tỷ đồng, tăng 20,36% so với hiện tại. Nếu hoàn tất, VIB sẽ trở thành nhà băng thứ 11 có vốn điều lệ vượt mốc 1 tỷ USD.

ĐHĐCĐ cũng đồng thuận với kế hoạch chi 35% cổ tức cho cổ đông, với mức tối đa 15% cổ tức tiền mặt, 20% cổ phiếu thưởng.

Trong đó, ngân hàng sẽ sử dụng 3.895 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 320 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Như vậy, sau 3 năm không chia cổ tức để dành nguồn lực quản trị rủi ro và hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, VIB trở lại tiếp tục chia cổ tức với tỉ lệ cao cho cổ đông.

Chỉ 4-6 tháng để hoàn thành room tín dụng 15%

Về kế hoạch kinh doanh, các cổ đông VIB thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 12.200 tỷ đồng cho năm 2023, tăng hơn 15% so với năm liền trước.

Tổng tài sản dự kiến đạt 428.500, tức tăng thêm 25% trong năm nay. Tổng dư nợ tín dụng đạt 292.500 tỷ đồng và huy động vốn đạt 292.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 26% so với đầu năm.

Tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) mục tiêu là 2,6% và tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 27,1%. Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% và tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II trên 10%.

Về chiến lược phát triển dài hạn, lãnh đạo VIB cho biết đơn vị đặt mục tiêu thu hút 10 triệu khách hàng đến năm 2026, lợi nhuận tăng trưởng kép 20% - 30% cho giai đoạn 2022-2026, từ đó tăng trưởng năng động và bền vững giá trị vốn hóa cho cổ đông.

Kết quả kinh doanh của VIB (Nguồn: VIB).

Trả lời cổ đông về tăng trưởng tín dụng và quản trị rủi ro của VIB khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, cũng có nhiều tin tức được đưa ra cho thấy khả năng Fed không tiếp tục tăng lãi suất để đảm bảo các ngân hàng hoạt động thông suốt.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa hạ lãi suất hôm qua (14/3), giá huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay sẽ giảm.

“Về hoạt động tăng trưởng tín dụng của VIB, với room 15%/năm chúng tôi chỉ cần thực hiện 4-6 tháng. Bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi thực hiện tăng trưởng tín dụng. Nếu thị trường tiếp diễn trong điều kiện bình thường, chúng tôi thực hiện 4-6 tháng là hoàn thành mục tiêu năm”, ông Vỹ nói.

VIB không cho vay nhà ở tại biển đảo, condotel

Tại Đại hội, VIB cho biết đang là một trong những nhà băng có tỉ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ ở nhóm thấp nhất ngành khi chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ.

Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đánh giá thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn trong năm 2022 và cả năm 2023. VIB chỉ có dưới 3% trái phiếu và cho vay bất động sản, thấp nhất trong 19 ngân hàng được khảo sát.

Số dư trái phiếu doanh nghiệp cụ thể là 1.800 tỷ đồng và cho vay bất động sản có 3.800 tỷ đồng, trên tổng dư nợ đến 232.000 tỷ đồng. Chưa kể bất động sản chủ yếu là cho vay công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VIB (Nguồn: VIB).

"Tỉ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm của VIB là 43%. Nếu thị trường bất động sản giảm đến 57% thì VIB mới đạt đến ngưỡng bình thường, còn thị trường bất động sản giảm 30 - 40% thì chất lượng tài sản đảm bảo của VIB hoàn toàn an toàn", ông Vỹ nói với cổ đông.

Vị Chủ tịch còn tiết lộ cơ cấu cho vay hiện nay gồm khoảng 210.000 tỷ đồng cho vay bán lẻ, (trong đó 91% là cho vay có tài sản bảo đảm). 9% cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng với dư nợ khoảng 16.000 tỷ đồng.

“Về nhà ở kinh doanh của VIB khác với ngân hàng khác, VIB không cho vay nhà ở dự án đang triển khai, nhà ở tại biển đảo, condotel… chỉ cho vay nhà ở đã có sổ hồng, sổ đỏ, cho vay đa mục đích vừa kinh doanh vừa ở”, lãnh đạo VIB khẳng định.