Dân sinh

Chất lượng không khí ngày 3/1: Hà Nội hiếm hoi trở về mức bình thường

Sáng 3/1, tại các điểm quan trắc, chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện. Còn chất lượng không khí tại TP.HCM ở mức tốt tại hầu hết điểm quan trắc.

Hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM thoát khá xa bảng xếp hạng top những thành phố ô nhiễm toàn cầu theo ứng dụng Air Visual.

Sang năm mới 2020, chất lượng không khí của hai thành phố lớn ở Việt Nam cải thiện đáng kể. TP.HCM đã thoát khỏi những điểm ô nhiễm “đỏ rực” thay vào đó là ở ngưỡng vàng. Tuy nhiên, cũng có một số điểm vẫn còn ở mức đỏ.

Chất lượng không khí Hà Nội ngày 3/1.

8h sáng nay (3/1), ứng dụng Air Visual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội trung bình là 119 - mức màu cam, chỉ số này duy trì đến hết ngày hôm nay. 

Với chỉ số chất lượng không khí như vậy, Hà Nội đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.

Lúc này tại TP.HCM, chất lượng không khí tiếp tục ở mức vàng - 70, chỉ số này duy trì đến hết ngày hôm nay. TP.HCM liên tiếp thoát khỏi những ngày ô nhiễm độc hại.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Môi trường, những ngày có chất lượng không khí không tốt, người dân cần hạn chế ra ngoài, ở nhà đóng kín cửa, nếu có việc ra ngoài cần mang khẩu trang.

Theo Tổng cục Môi trường, các số liệu đo đạc quan trắc môi trường gần đây, Hà Nội thuộc tốp đầu những thành phố bị ô nhiễm bụi khí PM2.5 (bụi mịn). Phân tích khoa học cho thấy bụi mịn dễ xuyên sâu vào phế nang và mạch máu khi hít thở, mang theo nhiều độc tố, gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch. Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội đang vượt quá nhiều lần chuẩn chất lượng không khí của nước ta.

Nồng độ bụi ở Hà Nội gia tăng theo đà phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông cơ giới hơn 15%/năm. Vấn đề đặt ra là giảm bụi để chặn đứng và đảo ngược đà gia tăng hiện nay mà không tác động nhiều đến phát triển.

Theo GS. Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho hay, để giảm bụi, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch và quản lý đô thị. Quan trắc môi trường, xây các trạm tự động chỉ đưa ra những thông tin giúp quản lý, chứ không trực tiếp làm giảm ô nhiễm. Cần tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, vừa làm đầu vào cho các mô hình phát tán trong nghiên cứu môi trường không khí. Ðây là lỗ hổng rất lớn, tồn tại từ nhiều năm nay khiến các nhà quản lý không biết dựa vào đâu để điều chỉnh chính sách, các nhà nghiên cứu thiếu công cụ để nghiên cứu và đưa ra thông tin đáng tin cậy.

Hà Nội đã có nhiều giải pháp, đầu tư nhiều tiền của để giảm ách tắc giao thông, nhưng hiện tượng kẹt xe hầu như không mấy cải thiện, ô nhiễm không khí vì thế tiếp tục gia tăng. Ðã đến lúc phải chấp nhận những giải pháp triệt để nhất, có thể tốn kém và gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân, nhưng lại làm thay đổi hẳn diện mạo Thủ đô theo hướng hiện đại như các nước tiên tiến. Cụ thể, di dời một số trường đại học ra ngoại ô để xây các công viên; cắt giảm đăng ký, tiến đến cấm dần xe máy; mở rộng khu phố đi bộ quanh phố cổ, tại đây chỉ cho phép xe điện và (có thể) xe buýt; dẹp chiếm dụng vỉa hè, tiến hành tân trang vỉa hè; cấm hẳn bếp than tổ ong; nâng chất lượng xăng, dầu. Ngoài ra, cần rút ra những bài học đắt giá về quản lý để tránh ô nhiễm không khí cho những khu đô thị mới ở ngoại thành và các nơi khác trong cả nước. Người dân phải từ bỏ nhiều thói quen cũ, nhanh chóng thích nghi nếp sống trong một đô thị văn minh, hiện đại.

Số liệu cập nhật lúc 8h, lấy số liệu từ ứng dụng Air Visual. Các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, máy đo.

Phong Linh