Xi nhan Trái Phải

“Chặt chém” khách du lịch: Muốn "đào tận gốc" phải xử lý hình sự

Tình trạng “chặt chém” khách du lịch không nên xem là chuyện nhỏ. Thiết nghĩ đã đến lúc không nên chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt hành chính với các nhà hàng hay cơ sở có hành vi “chặt chém” khách mà cần đưa hành vi này vào xử lý hình sự.

Gần đây, dư luận lại được phen giật mình trước thông tin một nhà hàng ở thành phố Nha Trang, Khánh Hoà đã "chém đẹp" khách du lịch nước ngoài với mức giá khó có thể tin cho một bữa ăn đạm bạc: 9,2 triệu đồng (hoá đơn được đưa lên mạng).

Dù tình trạng “chặt chém” khách du lịch không còn là chuyện xa lạ. Nào phần trứng xào cà chua giản dị mà khách phải trả tới 500.000 đồng, nào đĩa đậu bắp luộc có giá 300.000 đồng hay phần khổ qua xào, mồng tơi xào giá 250.000 đồng/đĩa... Những tin như thế này tràn lan trên các trang mạng hay được truyền thông đăng tải nhiều mỗi dịp lễ Tết hay tại các điểm nóng vào mùa du lịch ở xứ ta. Dẫu vậy, các thông tin về tình trạng "chặt chém" vẫn không khỏi khiến dư luận phẫn nộ bởi sự trơ tráo của các chủ hàng và bởi cả tình trạng “năm nào cũng thế” dù đã bị dư luận lên án gay gắt và kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc.     

Hóa đơn có giá “trên trời” của một nhà hàng ở Nha Trang gây bức xúc dư luận.

Dù cho nạn “chặt chém” có thể chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hàng triệu cơ sở làm du lịch, phục vụ du lịch trên phạm vi cả nước nhưng những “con sâu” này có sức phá hủy ghê gớm với môi trường du lịch. Chỉ cần một vụ "chặt chém" ví tiền của du khách thôi, thông tin lập tức sẽ được lan truyền rất nhanh và có thể vượt tầm kiểm soát mang tiếng xấu cho ngành du lịch.

Nạn “chặt chém” vì thế được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng khách du lịch “một đi không trở lại”. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao vấn nạn này mãi vẫn không thể thuyên giảm?

Hiện tại, mức phạt dành cho những cơ sở, hàng quán “chặt chém” khách du lịch còn quá nhẹ. Thử hỏi, chỉ phải trả cùng lắm là vài chục triệu đồng cho một lần “chặt chém” du khách nếu bị phát hiện thì sao có sức răn đe?

Hơn nữa, các quy định xử phạt hành chính cho hình thức “chặt chém” này cũng chưa đề cập đến hành vi tái phạm sẽ bị xử lý ra sao. Nếu như những chủ cơ sở có hành vi bóp chẹt ví tiền của khách này bị đình chỉ kinh doanh hoặc tước giấy phép kinh doanh tùy theo mức độ tái phạm thì hiện trạng có thể sẽ khác.

Phải chăng các nhà làm luật đang xem thường tình trạng “chặt chém”, xem đây là chuyện nhỏ nên hình thức xử phạt cũng nhẹ chăng?

Thiết nghĩ đã đến lúc không nên chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt hành chính với các nhà hàng hay cơ sở có hành vi “chặt chém” khách mà cần đưa hành vi này vào xử lý hình sự.

Vì một nền du lịch lành mạnh, bền vững và vì thương hiệu quốc gia, chúng ta cần có biện pháp và hành động mạnh ngay khi còn chưa quá muộn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả