Góc nhìn luật gia

Chánh án TAND Tối cao lên tiếng về việc dựng tượng vua Lý Thái Tông

Vụ dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho công lý và xét xử, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng ông tôn trọng tất cả ý kiến đóng góp và đưa ra những ý kiến làm rõ nội dung mà dư luận đang quan tâm.

Ngành tòa án vừa có văn bản về việc chọn mẫu tượng vua Lý Thái Tông để đặt trong khuôn viên như biểu tượng của công lý và xét xử. Tuy nhiên, nội dung này lại nhận được nhiều ý kiến tranh cãi từ dư luận. Có ý kiến cho rằng việc dựng tượng vua Lý Thái Tông ở tòa án chưa phù hợp.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp.

Chiều 28/4, TAND Tối cao tổ chức phiên họp Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam (nhân vật tiêu biểu) và cố chánh án TAND Tối cao các thời kỳ.

Chủ trì phiên họp là ông Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao.

Ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp: Việc lựa chọn nhân vật tiêu biểu đã được tiến hành trong 2 năm qua với tinh thần thận trọng. Tòa án có tổ chức hội thảo khoa học lịch sử cấp quốc gia với sự tham gia của các nhà sử học hàng đầu. Kết quả, hơn 70% nhà khoa học lịch sử và hơn 80% người không chuyên có đề nghị chọn vua Lý Thái Tông. Tòa án cũng tổ chức lấy ý kiến trên mạng và nhận được sự đồng tình.

Tại buổi họp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Việc lựa chọn nhân vật đại diện nền tư pháp nước nhà có ý nghĩa lớn trong tôn vinh cống hiến của tiền nhân trong trị vì, xây dựng nền pháp luật nước nhà và qua đây thể hiện thượng tôn pháp luật của đất nước ta có từ hằng trăm năm trước”.

3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông (Ảnh TAND Tối cao).

Sau việc TAND Tối cao có văn bản về việc chọn mẫu tượng vua Lý Thái Tông đặt trong khuôn viên như biểu tượng của công lý và xét xử, Tòa án đã nhận nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm xoay quanh việc lựa chọn và dựng tượng vua Lý Thái Tông.

“Chúng ta tôn trọng tất cả ý kiến đó... chúng ta lắng nghe, chúng ta làm việc không có tác dụng cho cuộc đời thì cũng không nên”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Tiếp đến, ông Ngô Tiến Hùng – Chánh văn phòng TAND Tối cao phát biểu tại cuộc họp: TAND Tối cao không có chủ trương dựng tượng tại các tòa án khác mà chỉ dựng tượng tại khu vực Quảng trường Công lý tại trụ sở TAND Tối cao mới (số 43, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ông Hùng cho biết thêm, kinh phí dựng tượng nằm trong kinh phí xây dựng trụ sở đã được phê duyệt.

Thuyết trình trước hội đồng nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường – nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết chính ông đã sáng tác 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông.

Trong đó, giải đáp ý kiến khi nói mô hình giống tượng Lý Thái Tổ (bố vua Lý Thái Tông) được đặt ở bờ hồ, ông Cường nói: “Vua đương nhiên quần áo giống nhau, chỉ khác nét mặt. Bố con giống nhau là đúng nhưng ở đây, tôi làm khác chút, với nét mặt vui tươi như đang đối thoại với người dân”.

Tại buổi họp, tác giả đã trình bày về 3 mẫu tượng. Song ông cũng không quên nói lên tâm trạng, chia sẻ khi đang phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận như hiện nay.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, ý kiến của các đại biểu tham gia phiên họp đều rất tâm huyết, gợi mở nhiều điều cho Hội đồng nghệ thuật và tác giả.

Ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: Việc tiếp thu ý kiến từ các bên một cách minh mẫn sẽ nâng cao chất lượng đối với việc xây dựng tượng. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đề nghị tác giả tiếp tục hoàn thiện bản phác thảo tượng theo tinh thần đã đưa ra trong phiên họp đó là chọn bản phác thảo số một nhưng có một số điều chỉnh cho bản phác thảo này được thuần Việt hơn, mang bản sắc của thời Lý hơn, chứa đựng thêm nhiều thông điệp giáo dục...