Đời sống

Chàng trai thu lãi 15 triệu đồng/tháng nhờ nuôi loài “ăn đêm ngủ ngày”

Đang đi làm với mức lương cao, ổn định nhưng anh Toàn đã từ bỏ công việc để về quê khởi nghiệp. Chính nhờ sự quyết đoán, anh đã thành công trong mô hình nuôi dúi.

Nuôi dúi rất đặc biệt và tiềm năng

Anh Đỗ Văn Toàn (32 tuổi) ở Ninh Bình là một tấm gương người trẻ khởi nghiệp thành công. Anh Toàn chia sẻ: “Tôi sinh ra từ nông thôn, gia đình vốn bao đời làm nông dân nên muốn gắn bó với quê hương lâu dài. Vì thế, phải tìm được nghề làm chủ, còn hơn ở thành phố lương cao mà mãi vẫn chỉ là người làm thuê”.

Năm 2015, anh Toàn tốt nghiệp ngành xây dựng, trường Đại học Công nghệ Tp.HCM. Ra trường, anh bôn ba nhiều nơi, tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm ở thành phố. Có được công việc ổn định, lương cao, làm đúng chuyên môn là kỹ sư xây dựng nhưng chàng trai trẻ vẫn đau đáu sẽ trở về quê lập nghiệp.

Cũng vì thế, vừa đi làm ở thành phố, anh vừa tìm tòi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp ở quê. "Thấy mô hình nuôi dúi rất đặc biệt và tiềm năng, mình đã liên tục tìm hiểu về loại con nuôi đặc biệt mà ở quê mình chưa ai thấy bao giờ.

Anh Toàn rất tâm huyết với việc nuôi dúi

Loài này đang được ưa chuộng với giá thành cao, nuôi cũng không mấy khó nhọc vì chúng ăn toàn là thân cây, củ các loại. Đầu ra lại ổn định nên mình quyết định đầu tư khởi nghiệp từ loài gặm nhấm chẳng khác gì con chuột này".

Được biết, lúc đầu khởi nghiệp anh Toàn mua 10 cặp con núi mốc về làm giống với số tiền 12 triệu đồng. Để nuôi thành công con dúi mốc, anh Toàn tự mày mò, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật cũng như tham quan thực tế các trại nuôi dúi quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh Ninh Bình.

Năm 2023, anh Toàn đầu tư mở rộng quy mô trang trại, quy hoạch bài bản trên diện tích 150 m2. Chuồng nuôi con dúi mốc được anh Toàn thiết kế với hàng trăm ô chuồng nhỏ, được lắp ghép từ nhiều viên gạch hoa có kích thước cao 60 x 60cm/ô, xếp sát nhau.

"Hiện tại, tôi đang bán giống dúi mốc giá 1.200.000 đồng/cặp (3 tháng tuổi), đối với con dúi thương phẩm bán 600.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bình quân mỗi tháng tôi lãi 15 triệu đồng/tháng", anh Toàn cho biết.

Mỗi nghề mỗi vất vả

Chàng trai 9X ở Ninh Bình bắt đầu ngày mới từ sáng sớm tinh mơ khi gà cất tiếng gáy. Thức dậy vệ sinh cá nhân xong, anh bước chân ra chuồng dúi để thăm từng ô, xem có con nào bỏ ăn, mắc bệnh hay không khi đó mới yên tâm công việc hàng ngày của mình.

Anh Toàn cho hay: "Dúi là loài động vật có đặc tính gặm nhấm, ăn đêm ngủ ngày. Buổi tối cho dúi ăn, thì ban ngày chúng lăn ra ngủ. Vì thế, sáng sớm phải kiểm tra chuồng trại luôn, tránh để muộn quá, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển".

Theo anh Đỗ Văn Toàn để nuôi con dúi mốc đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân cần lưu ý một số yếu tố như: Trước tiên phải chọn giống dúi mốc ở cơ sở nuôi có uy tín, dúi khỏe mạnh không bị bệnh…

Con dúi mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: Internet)

Tiếp theo thiết kế chuồng nuôi dúi cần kín gió, kín nắng, ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để con dúi phát triển tốt nhất. Thức ăn cho dúi rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ là ngô, tre, mía…không chọn thức ăn bị nấm mốc, ôi thiu và nhiễm nước mưa vì con dúi dễ mắc các bệnh về đường ruột.

Trong mỗi ô chuồng là một cặp dúi giống, dúi thương phẩm hoặc cá thể dúi con mới tách đàn. Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, trung bình 3- 4 con/lứa (lúc dúi đẻ hạn chế tiếng động).

Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động đực lần đầu gần 10 tháng. Dúi cái động dục có biểu hiện ăn ít, sục sạo tìm đực, bộ phận sinh dục có màu hồng. Nhiệt độ thích hợp trong chuồng để con dúi từ 20-30 độ C.

Về mùa hè con dúi hay bị sốc nhiệt nên xử lý bằng cách vùi con dúi vào cát ẩm hoặc có thể cho uống nước điện giải. Trong quá trình nuôi cũng nên để ý con dúi hay bị gãy răng, táo bón… người nuôi cần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Qua tìm hiểu, hiện anh Toàn đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho gần 10 mô hình nuôi dúi theo phương thức cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường đầu ra.

LAM ANH (T/h theo Dân Trí, Dân Việt)