Tâm sự

Chàng trai Nam tiến

Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu từ Hà Nội, lãnh đạo báo ĐS&PL có chiến lược Nam tiến và nhà báo Trần Tiến Dũng là người được trao ấn tiên phong.

Nhận thấy nhiệm vụ khó khăn nhưng với trách nhiệm cao, nhà báo Trần Tiến Dũng đã xung phong đảm nhận thị trường đầy tiềm năng tại TP.HCM vào năm 2009. “Vạn sự khởi đầu nan” khi bủa vây là khó khăn vì hệ thống phóng viên, trụ sở của cơ quan phía Nam đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được cho yêu cầu của công việc.

Nhà báo Trần Tiến Dũng xác định phương hướng tăng dần số lượng phát hành dựa trên nội dung hấp dẫn bằng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự. Vào khoảng tháng 10/2009, đề xuất đưa tờ ĐS&PL Cuối tuần vào phía Nam của anh là quyết định mang tính mở đầu cho chặng đường dài và đầy thách thức.

Nhà báo Trần Tiến Dũng, Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam của tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Người Trưởng đại diện cơ quan phía Nam không thể quên những ngày ban đầu gian khó ấy: “Cứ 1h30 sáng, khi báo về đến công ty Vĩnh Phúc, tôi và Giám đốc đơn vị phát hành đã tiếp thị tận tay các đại lý, có nơi phải “mưa dầm thấm lâu” đến lần thứ ba mới giao kết được mối quan hệ phát hành. Rất may, bạn đọc đã mở lòng đón nhận từng số báo, tỉ lệ phát hành không ngừng tăng cao”. Thừa thắng xông lên, cơ quan đại diện phía Nam tiếp tục đưa tờ ĐS&PL Tháng đến tay bạn đọc.

Có sự khởi đầu thuận lợi, các ấn phẩm ngày vào thứ Hai - Tư - Sáu của báo nối tiếp nhau đến với phương Nam nắng ấm chỉ trong 1 năm sau. Thế nhưng, bài toán cạnh tranh ngày càng gai góc hơn vì các tờ báo khác đã chiếm thị phần từ trước. Anh Dũng đã đưa ra tiếp phương án xây dựng, đào tạo và gắn kết tập thể phóng viên, biên tập viên cùng đội ngũ cộng tác viên rộng khắp đáp ứng được yêu cầu nội dung phía Nam, trọng điểm là TP.HCM và các địa phương lân cận để luôn cập nhật sát sao tình hình địa bàn. Cứ thế, số lượng phát hành các ấn phẩm số sau tăng hơn số trước với tỉ lệ tiêu thụ tốt.

Lý giải về con đường đưa số báo Cuối tuần vào Nam trước rồi đến số Tháng, số ngày, nhà báo Trần Tiến Dũng khẳng định, đây là tầm nhìn đúng đắn của Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh: Đi từng bước chắc chắn chứ không ồ ạt nhằm đảm bảo thực lực của đơn vị cho từng nhiệm vụ phát hành.

Cùng với kế hoạch phát hành, Ban biên tập cũng chỉ đạo cơ quan phía Nam cân đối lượng tin bài trên từng số báo. Vì thế, đội ngũ nhân sự của cơ quan phía Nam luôn nỗ lực, sát cánh với tòa soạn trong việc đảm bảo nội dung của địa bàn chiếm khoảng 35%/số báo, thậm chí có khi lên đến 60%.

Để đúng phương châm “Hấp dẫn như đời sống - Đồng hành cùng pháp luật”, lượng phóng viên cố định của cơ quan phía Nam tương đối cao (từ 30 - 40 người) đã năng nổ bám sát, bao quát các phương diện từ thời sự, xã hội, pháp luật đến đời sống, văn hóa,...

Từ những thành công bước đầu này, tỉ lệ phát hành tại khu vực phía Nam từng bước ngang bằng và tiến đến gấp 5 lần so với tòa soạn tại Hà Nội. Đến nay, cơ quan đại diện phía Nam vẫn là bộ phận quan trọng, đóng góp ngày càng lớn cho thương hiệu, uy tín suốt nhiều năm qua của tờ tạp chí ĐS&PL.