10 thanh niên mang dao, kiếm chặn xe "xin đểu" trên cao tốc: Con hư đổ tại nhà trường?!

Có bà mẹ cười hô hố và khen con thông minh khi nó cợt nhả, nói bậy; rồi mười năm sau lại hỏi: “Ở trường thầy cô dạy mày như thế à?” khi nó giữ nguyên thái độ đó để đối thoại với người lớn...

Thời đi học, ai cũng phải làm quen với các quy định, quy tắc, điều lệ đặt ra cho mỗi thành viên trong nhà trường. Đây chính là “kỷ luật học đường”; kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh, giáo viên sao cho mỗi người đều ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong lớp học.

Nhóm đối tượng cầm hung khí "xin đểu" trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai còn rất trẻ, mới 15-17 tuổi. Ảnh minh họa: Internet.

 

Giáo viên gương mẫu không dùng roi vọt hay lời lẽ xúc phạm, miệt thị để tăng hiệu quả giáo dục; học sinh chăm ngoan cũng không coi nhà trường là cái chợ, muốn đến lúc nào thì đến hay sẵn sàng “mặc cả”, “ngã giá” với giáo viên khi cần.

Nhưng đúng như tên gọi “kỷ luật học đường” chỉ tồn tại trong nhà trường. Sẽ chẳng có thầy giám thị nào đến gõ đầu, phạt học trò khi nó đang nhuộm tóc xanh tóc đỏ, chuẩn bị du xuân; cũng chẳng có cô chủ nhiệm nào hiện lên như bà Tiên, giảng giải về chữ hiếu cho một đứa trẻ khi nó đang gân cổ “cãi giả” về thói xấu, lỗi lầm của mình.

Bởi vậy, tôi thấy khá nực cười khi không ít các bậc làm cha mẹ đổ lỗi cho nền giáo dục, cách làm việc của thầy cô trước thực trạng một bộ phận thanh thiếu niên chơi bời lêu lổng, thậm chí có hành động chống lại xã hội, gây nguy hiểm cho người khác; chẳng hạn như vụ việc 10 thanh niên hổ báo "xin đểu" trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai hay anh chàng cầm dao bấm đe dọa, tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ ở Nha Trang. 

Sự buông lỏng, thiếu giáo dục của gia đình có thể sản sinh ra những đứa trẻ "mù" pháp luật, lười lao động, không biết quý trọng tiền bạc, mồ hôi công sức cha mẹ. Gieo nhân nào gặt quả đó, đám lưu linh, côn đồ đều phải trả cái giá tương xứng cho nỗi khiếp đảm mà chúng reo rắc lên cộng đồng, chưa nói đến sự dị nghị, cái nhìn gièm pha dai dẳng của người đời.

Nam thanh niên rút dao bấm đe dọa, tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ ở Nha Trang. Ảnh minh họa: Internet. 

 

Tôi biết có bà mẹ cười hô hố và khen con thông minh khi nó cợt nhả, nói bậy; rồi mười năm sau lại hỏi: “Ở trường thầy cô dạy mày như thế à?” khi nó giữ nguyên thái độ đó để đối thoại với người lớn.

Thiết nghĩ, những người bảo lưu quan điểm cho rằng nhà trường, thầy cô phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự “xuống cấp về đạo đức, văn hoá” của một bộ phận giới trẻ, tốt hơn hết, nên thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

Phan Giang

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả