Xã hội

Bản tin 13/7: Chân dung 6 học sinh Việt Nam giành huy chương Olympic Toán học quốc tế 2023

Chân dung 6 học sinh Việt Nam đều giành huy chương Olympic Toán học quốc tế 2023; Nhiều trẻ bị nhiễm trùng, hoại tử gót chân do nan hoa xe đạp...

6 học sinh Việt Nam giành huy chương Olympic Toán học quốc tế 2023

Cả 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế năm 2023 đều giành huy chương, với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng. Ảnh: TTXVN.

Mới đây Bộ GD&ĐT cho biết, 6 thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic toán quốc tế năm 2023 đều giành huy chương, gồm 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng.

Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2023, cả 6 thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi đều giành huy chương, gồm 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng.

Với kết quả này, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 6/112 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự kỳ thi, sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Rumania và chủ nhà Nhật Bản.

Hai học sinh giành Huy chương vàng gồm: Phạm Việt Hưng (lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn An Thịnh (lớp 12 tin, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Hai học sinh giành Huy chương bạc gồm: Hoàng Tuấn Dũng (lớp 12 toán 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Kiên (lớp 11 Toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Hai thành viên còn lại của đội tuyển là em Khúc Đình Toàn (lớp 12 toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh) và Trần Nguyễn Thanh Danh (lớp 12 toán, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) giành Huy chương đồng.

Olympic toán quốc tế năm 2023 tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 2 đến 12-7 với sự tham gia của 625 thí sinh từ 112 nước và vùng lãnh thổ.

Nhiều trẻ nhiễm trùng, hoại tử gót chân do nan hoa xe đạp

Vết thương gót chân khiến trẻ đau đớn và điều trị rất dài ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Giáo Dục & Thời Đại, ngày 12/7, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi với vết thương gót chân có dấu hiệu bị hoại tử do nan hoa xe đạp kẹp.

Bé gái T.M. (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị gãy 1/3 xương gót, hoại tử da gót chân.

Trước khi nhập viện trẻ được người nhà chở đi chơi bằng xe đạp, không may chân trẻ vướng chân vào nan hoa xe đạp. Trẻ đau nhiều vùng gót chân trái và được người nhà cho đến phòng khám tư gần nhà để thay băng, rửa vết thương hàng ngày. Khoảng 3 ngày sau đó, gia đình quan sát thấy chân trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị.

Sau khi thăm khám tại viện, BSCKII Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc chở trẻ đi lại bằng xe đạp/xe máy thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho trẻ.

"Mặc dù vết thương ở gót chân tuy nhỏ nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì tỉ lệ nhiễm trùng, hoại tử từ vết thương rất cao.

Tổn thương ngoài việc do ma sát mài mòn phần mềm còn do bỏng nhiệt sinh ra do ma sát nên tổn thương thường sâu.

Gót chân là nơi chịu lực tì đè, vận động thường xuyên và mạch máu nuôi dưỡng kém nên khả năng lành vết thương cũng kém hơn nơi khác.

Bánh xe là nơi dính nhiều bụi đất, là chỗ ẩn náu tốt của vi khuẩn nên đa phần các vết thương do kẹt bánh xe gây ra đều có nguy cơ bị nhiễm trùng", BS Phùng Công Sáng cho biết.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ nói trên, cha mẹ nên hạn chế tối đa việc để trẻ ngồi một mình ở yên sau xe. Đối với trẻ nhỏ cần dùng đai để cố định khi chạy xe trên đường để con tránh gặp tai nạn đáng tiếc. Nên lắp lưới bảo vệ bánh sau xe đạp, ghế ngồi trên xe cho trẻ nhỏ.

Nếu trẻ bị kẹt chân kẹt chân vào bánh xe, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng, kịp thời, giúp giảm các biến chứng và di chứng đáng tiếc cho trẻ.

Nồi áp suất bất ngờ phát nổ, người đàn ông bị bỏng nặng

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo Kinh tế Đô thị, ngày 12/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, kíp trực Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, (sinh năm 1968 ở Hà Nội) vào cấp cứu do dùng nồi áp suất đun nấu bị nổ.

Bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng bỏng độ 1,2 vùng mặt và trước ngực, bỏng hô hấp, bỏng kết mạc đỏ, gãy hở độ 3, 1/3 giữa xương chày, vết thương lóc da cẳng chân bên phải.

Ngay lập tức bệnh nhân được đi mổ cấp cứu cắt lọc, kết xương chày trái, khâu vết thương, chăm sóc da và niêm mạc bị bỏng. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân ra viện, hiện tại, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Theo bác sĩ Lê Khánh Ninh - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bỏng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, là tai nạn thường gặp trong đời sống và công việc, có thể đe doạ tính mạng, để lại nhiều di chứng.

Trong đó, bỏng nhiệt do nổ nồi hơi có thể gây bỏng diện rộng, bỏng sâu, kèm theo tổn thương các cơ quan do nổ: Gãy xương chi thể, chấn thương ngực...

Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần trang bị kiến thức cơ bản sơ cứu khi bị bỏng. Khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rối nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu, không tự ý điều trị tại nhà.

Theo các chuyên gia, nồi áp suất có nhiều công dụng hữu ích cho nhu cầu nấu nướng gia đình với ưu điểm tiện lợi, làm chín thức ăn nhanh chóng, nên từ lâu đã trở thành đồ gia dụng quen thuộc với công việc nội trợ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà không ít các trường hợp nồi áp suất vô tình trở thành vật dụng ẩn chứa nguy hiểm cho người sử dụng khi bỗng nhiên phát nổ, phát cháy.

Từ trường hợp này các chuyên gia khuyến cáo, nồi áp suất có nguy cơ cháy nổ nếu không đảm bảo kỹ thuật và được sử dụng, vệ sinh không đúng cách. Nên đậy kín chặt nắp nồi khi đun, xả bớt hơi để giảm áp suất trước khi mở.

Trúc Chi (t/h)