Tài chính - Ngân hàng

Chân dung 3 tỷ phú chứng khoán người Nam Định sở hữu khối tài sản "khủng" gần 15 nghìn tỷ đồng

Tỷ phú Hồ Xuân Năng, Nguyễn Đức Tài và Trần Tuấn Dương là ba người con của vùng quê Nam Định. Tính tới ngày 28/5, tổng tài sản của họ đã suýt soát 15 nghìn tỷ đồng.

Tỷ phú Hồ Xuân Năng

Trong danh sách top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt, tỷ phú Nam Định Hồ Xuân Năng hiện đứng ở vị trí thứ 10, với khối tài sản hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 28/5/2019, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vicostone (VCS) - giữ vị trí thứ 10 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Tỷ phú Hồ Xuân Năng hiện là người giàu thứ 10 trên sàn chứng khoán Việt.

Tổng tài sản trên sàn của ông Hồ Xuân Năng hiện là 7.628 tỷ đồng. Số tài sản này có được từ việc trực tiếp sở hữu 5.685.794 cổ phiếu VCS và gián tiếp sở hữu 115.200.000 cổ phiếu VCS thông qua qua CTCP Phượng Hoàng Xanh (Phenikaa).

Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9%.

Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, là Tiến sỹ kỹ thuật. Ông từng giữ vị trí Thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty (TCT) Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex, trước khi được giao làm Giám đốc một công ty con quy mô nhỏ của TCT này – chính là Vicostone.

Vicostone được thành lập từ cuối 2002 theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).

Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).

Ngoài ra, ông Năng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Style Stone và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị.

Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone, công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, ông Năng đã “nâng tầm” Vicostone từ một công ty nhỏ thành công ty có quy mô lớn hơn nhiều công ty mẹ ngày hôm nay.

Về phần công ty Vicostone , với hệ thống các đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm của Vicostone đã hiện diện tại khắp các châu lục, cung cấp ra thị trường hàng triệu m2 mỗi năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Trong đó, 3 thị trường khắt khe bậc nhất thế giới là Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu là những thị trường mang lại doanh thu chính cho Vicostone.

Năm 2018, Vicostone đạt doanh thu 4.564 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được 85% kế hoạch về doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tỷ phú Nguyễn Đức Tài

Đứng ngay sau ông Hồ Xuân Năng trên bảng xếp hạng này là ông chủ Thế Giới Di Động – ông Nguyễn Đức Tài – cũng là một người con của vùng đất Nam Định.

Ông Nguyễn Đức Tài hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG); đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Thế giới Điện tử; thành viên HĐQT của các công ty như Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG), CTCP Thế giới Di động và Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.

Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài là một người con Nam Định.

Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Đức Tài, tính đến thời điểm 28/5/2019, là 5.488 tỷ đồng, từ việc trực tiếp sở hữu 11.066.458 cổ phiếu MWG và gián tiếp sở hữu 51.515.096 cổ phiếu MWG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.

Ông Nguyễn Đức Tài lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, nơi mẹ ông kiếm sống hàng ngày từ gánh hàng rong bán xôi và bánh cuốn. Những ngày tuổi thơ gian khó khiến ông tự đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải nghĩ lớn và làm lớn để có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình.

Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mobile World Investment Corp.) của ông giờ đã trở thành chuỗi bán lẻ điện thoại di động hàng đầu Việt Nam. MWG cũng là một trong những cổ phiếu niêm yết lớn nhất trên sàn HOSE với giá trị thị trường vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Về vấn đề phát triển chuỗi, ông Tài nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải quản lí được khả năng vận hành, quản trị tốt chứ không phải cứ đại gia là có thể phát triển chuỗi. Để làm được điều đó, theo cách nói của ông là phải có “cộng sự tốt luôn sẵn sàng cầm súng lên là bắn”. Đội ngũ nhân sự mà công ty này đang có là đảm bảo chữ tín và thành tâm. Vì vậy, ông từng khẳng định không công ty nào có thể lấy được “tướng giỏi” của Thế giới di động.

“Đến hôm nay tôi mới phát hiện ra, từ xưa đến nay chúng tôi đang làm và phát triển là vì muốn tạo ra giá trị cho khách hàng, cho người tiêu dùng chứ không phải vì chúng tôi đam mê gì cả. Chỉ có nhắm đến việc tạo ra giá trị gì cho khách hàng, công ty mới có thể tồn tại. Ở Thế Giới Di Động, chúng tôi bán sự hài lòng và phải làm cho mọi thứ thật đơn giản thì mới có thể nhân bản nhanh được”, ông Tài nhấn mạnh

Tỷ phú Trần Tuấn Dương

Nam Định có thể xem là vùng đất của người tài khi có tới 3 vị tỷ phú trên sàn chứng khoán.

Ngoài hai cái tên Hồ Xuân Năng, Nguyễn Đức Tài còn có ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Với việc sở hữu 56.823.984 cổ phiếu HPG, tính đến 28/5/2019, ông Trần Tuấn Dương nắm trong tay số tài sản 1.830 tỷ đồng.

Tỷ phú Trần Tuấn Dương là Phó Chủ tịch kiêm TGĐ tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Tuấn Dương và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG - là bạn đồng môn cùng tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân năm 1986, cùng bươn chải nơi đất khách những ngày đầu lập nghiệp, và sau này cùng nhau gây dựng và phát triển Hòa Phát.

Năm 1992, ông Trần Tuấn Dương, ông Trần Đình Long cùng những người bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Công ty được thành lập chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về.

Từ năm 1992 đến năm 1994, ông Dương là Cửa hàng trưởng Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát. Từ năm 1995 đến năm 1996 là Phó Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hòa Phát.

Sau quá trình phấn đấu, từ năm 1996 đến tháng 8/2004, ông được bỏ nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hòa Phát. Từ tháng 1/2007, ông là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

Sau 28 năm phát triển, ngày 23/8/2018, tại lễ công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất của Forbes Việt Nam, Hòa Phát đã được vinh danh với giá trị thương hiệu 84,6 triệu đô la Mỹ xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng.

Năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Hòa Phát lọt top 40 thương hiệu giá trị, trong đó giá trị thương hiệu của Hòa Phát đã tăng 11,3% từ 76 triệu (năm 2017) lên 84,6 triệu USD (năm 2018).

Thương hiệu Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam ở các lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, nội thất văn phòng và luôn khẳng định vị thế hàng đầu trong các ngành kinh doanh,….