Sự kiện

Chậm tiến độ thu phí tự động: Vì sợ công khai minh bạch?

Theo chuyên gia, việc chậm triển khai dự án Công nghệ thu phí đường bộ tự động không dừng trước hết thuộc về bộ GTVT. Trong khi đó, việc thu phí tại các trạm thủ công hiện nay cũng rất thiếu minh bạch.

Công nghệ thu phí đường bộ tự động không dừng (ETC) có thể giúp minh bạch doanh thu các trạm thu phí, rút ngắn thời gian xe dừng trả phí, và sẽ không xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền lẻ trả phí.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thu phí tự động của Bộ GTVT lại chậm so với mốc kế hoạch Thủ tướng chỉ đạo, khiến nhiều người nghi ngờ sự mập mờ của trạm thủ công.

Cơ quan quản lý thực hiện không quyết liệt

Những ngày qua, dư luận xã hội nổi lên những lùm xùm và bức xúc quanh những trạm thu phí đường bộ. Cụ thể, đó là tính minh bạch tài chính của các dự án này.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc triển khai xây dựng (ETC) không phải là vấn đề khó. Đây là hình thức mà các nước đã áp dụng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở hạ tầng, cũng không cần sáng tạo nhiều, chỉ cần học hỏi và áp dụng tại Việt Nam. Vấn đề cốt lõi chính là doanh nghiệp chây ì, cố tình chậm trong việc triển khai dự án.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc triển khai xây dựng thu phí tự động không dừng (ETC) không phải là vấn đề khó

Trả lời PV báo Người Đưa Tin về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trách nhiệm trên hết chính là cơ quan chủ quản, tức bộ GTVT không thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông nói: “Thủ tướng đã chỉ đạo, tuy nhiên đến thời điểm này chính là thời điểm thực sự bức bách khi hàng loạt các vấn đề xảy ra khi thực hiện việc thu phí thủ công.

Ùn tắc giao thông do thu phí trong những ngày lễ Tết vừa rồi chính là điều chúng ta thực sự quan ngại. Trước Tết, đã có một số BOT chủ động đề nghị cho xả trạm để tạo điều kiện cho bà con đi lại dịp Tết. Nhưng bộ GTVT bác bỏ vì cho rằng theo Thông tư 49 của Bộ, trạm thu phí phải duy trì suốt 24 giờ”.

Trong Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Chính phủ đã nêu rõ: “Đơn vị thu phí sẽ bị phạt khi để ùn tắc từ 750m trở lên" và nếu để ùn tắc nghiêm trọng thì có thể bị phạt tới 70 triệu đồng và đình chỉ thu phí từ 1 đến 3 tháng.

Tuy nhiên, tại các BOT cửa ngõ như Pháp Vân - Cầu Giẽ ở Hà Nội hay Long Thành - Dầu Giây ở TP.HCM vào các dịp cao điểm thì ách tắc nghiêm trọng kéo dài do việc thu phí tại các trạm là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chưa hề có một trạm BOT nào bị xử phạt.

Thu phí mù mờ và tùy tiện

Việc thu phí tự động không dừng triển khai từ tháng 7/2017. Tới nay, đã có 26/44 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành tối thiểu 2 làn thu phí tự động (mỗi chiều xe 1 làn thu phí tự động).

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thu phí tự động chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi vấn đề minh bạch tài chính của các trạm thủ công cũng không rõ ràng.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về những khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu về khi thực hiện thu phí bằng cách thủ công so với việc thực hiện bằng thu phí tự động.

Theo đó, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thu phí tự động là phương pháp hiện đại, tiên tiến, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Nếu sớm thực hiện thu phí tự động đồng bộ tại Việt Nam thì lợi ích của người dân, của xã hội là rất lớn, đồng thời tránh được các tiêu cực không đáng có.

“Tôi xin được lấy ví dụ điển hình gần đây nhất, một vụ việc hy hữu xảy ra vào sáng mùng 3 Tết, 2 đối tượng nghi là dùng súng, dao, roi điện uy hiếp 3 nhân viên trạm thu phí Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cướp số tiền lớn trên 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ vụ việc này đã hé lộ con số bất ngờ một ngày thu phí toàn tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Bởi vậy, tính minh bạch tài chính ở các dự án đầu tư BOT giao thông không thể đảm bảo khi thiếu sự giám sát cần thiết”, vị chuyên gia cho hay.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

“Thu phí BOT giao thông theo kiểu tùy tiện, thiếu căn cứ như một số tuyến đường BOT là nguyên nhân đáng kể đẩy giá thành, chi phí kinh doanh tại Việt Nam tăng. Mức thu phí BOT đường bộ hiện nay rất mù mờ, chúng ta cũng không có căn cứ để giám sát.

Điều cần thiết phải biết doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu làm đường BOT, con số thực chi bao nhiêu, như thế mới có căn cứ tính toán ra mức phí họ thu là hợp lý và bao lâu. Còn như hiện nay mức thu không xác nhận được", ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Tuy đã có chủ trương nhưng vẫn cần kế hoạch cụ thể, vấn đề chính là sự chỉ đạo kiên quyết từ phía cơ quan chủ quản, tức là bộ GTVT cần có những động thái rõ ràng, cần chỉ ra những vướng mắc cụ thể. Theo đó, tính công khai, minh bạch các dự án BOT giao thông từ khâu đầu tư đến khi vận hành, thu phí để người dân, xã hội giám sát là yêu cầu cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, tổng cục Đường bộ đã chọn nhà thầu của VNPT để giám sát toàn bộ việc truyền dữ liệu của các trạm thu phí ETC về Tổng cục Đường bộ. Như vậy, việc thu phí ETC sẽ có 3 kênh giám sát là nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ ETC, VNPT giám sát việc truyền dữ liệu thu phí đến cơ quan liên quan và tổng cục Đường bộ giám sát thông qua việc quản lý dữ liệu thu phí.

Việc triển khai thu phí tự động hiện còn một số vướng mắc, trong đó việc bàn giao nhân lực thu phí, tài sản trạm thu phí. Hơn nữa, cũng có nhà đầu tư BOT thực sự không mấy hào hứng với thu phí tự động”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thu Huyền