Xu hướng thị trường

Chậm tiến độ thu phí tự động không dừng: Lỗi trước hết thuộc bộ GTVT

Tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng của bộ GTVT chậm so với mốc kế hoạch Thủ tướng chỉ đạo. Theo đó, đại biểu quốc hội cho rằng, lỗi chậm triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) được cho là trước hết thuộc về bộ GTVT, trực tiếp là tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Chủ trương triển khai trạm thu phí không dừng là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và đã có ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trạm thu phí tự động không dừng (ETC) thể hiện được sự công khai minh bạch trong quá trình thu phí, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thu phí tự động lại chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng.

BOT gian lận do quản lý kém?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên ủy ban Pháp luật) bày tỏ bức xúc khi tới thời điểm hiện tại các trạm BOT vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng: “Có thể thấy rõ ràng một số nhà đầu tư BOT không mấy mặn mà với việc thực hiện chỉ đạo này. Hơn nữa, có rất nhiều lý do mà các nhà đầu tư này đưa ra, trong số đó có lý do về việc chưa đủ năng lực tài chính thực hiện BOT không dừng.

Và theo tôi, đó là lý do không chính đáng. Nếu họ thực sự có quyết tâm làm thì đến thời điểm hiện tại đã thực hiện được rồi, vì các doanh nghiệp này muốn trì hoãn và bản chất thực sự là không muốn công khai minh bạch việc thu phí”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên ủy ban Pháp luật) cho rằng, việc quản lý của cơ quan chủ quản chưa sát sao khiến việc thực hiện ETC bị chậm tiến độ Thủ tướng chỉ đạo.

Khi tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ GTVT) ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng.

Trong khi đó, chủ ô tô muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.

Trước đó, nhiều trường hợp thanh tra của bộ GTVT phát hiện một số hoạt động tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí như Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu bình quân 1,97 tỷ đồng/ngày, nhưng theo báo cáo của nhà đầu tư chỉ 1,2 tỷ đồng/ngày, QL18 gian lận vé tại trạm thu phí Đại Yên…

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, những tiêu cực như vậy đặt ra câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là có hay không việc giấu giếm doanh thu tại trạm thu phí? Liệu có phải chủ đầu tư và người quản lý trạm với nhân viên trạm móc nối với nhau về việc báo cáo số lượng doanh thu? Cho nên, cần quy trách nhiệm về cho đơn vị chủ đầu tư là tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Vụ cướp hơn 2 tỷ đồng ở trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm dấy lên sự quan ngại về sự dối trá trong việc báo cáo số lượng thu khống phí BOT tại các trạm. Thu thì nhiều mà báo cáo thì ít. Trách nhiệm của bộ GTVT, đặc biệt là tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thực hiện. Phải làm sao trong năm nay phải sớm hoàn thiện các trạm BOT không dừng”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Cần xử lý trách nhiệm đơn vị triển khai chậm

Cuối năm 2018, bộ GTVT đã có công văn yêu cầu để đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc, VEC phải xây dựng phương án huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Theo tiến độ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 phải đầu tư 15 làn thu phí ETC trước 31/12/2018, giai đoạn 2 xong trước 31/12/2019; tuyến Nội Bài - Lào Cai triển khai giai đoạn 1 thực hiện 30 làn xong trước 30/03/2019, giai đoạn 2 xong trước 31/12/2019; tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai giai đoạn 1 thực hiện 10 làn xong trước 31/12/2018, giai đoạn 2 xong trước 31/12/2019.

Để đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc, VEC phải xây dựng phương án huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐHQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, cần tìm hiểu rõ ràng lý do vì sao tới thời điểm này, các đơn vị doanh nghiệp không thực hiện được theo chỉ đạo mà để kéo dài như vậy.

“Việc thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) giúp hoạt động thu phí minh bạch, dễ kiểm soát, phòng chống tình trạng giấu doanh thu để chia chác. Trong khi đó thu phí thủ công truyền thống đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, ai cũng thấy. Vì thu phí thủ công tạo điều kiện cho trạm thu phí quay vòng vé, gây tham nhũng, giấu doanh thu, gây ách tắc giao thông tại các trạm thu phí, tốn kém thời gian, chi phí xã hội”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, chỉ đạo quyết liệt, nhưng triển khai thu phí tự động vẫn chậm. Bộ GTVT chưa làm hết trách nhiệm được giao. Chính phủ cũng nên có biện pháp xử lý khi cấp dưới triển khai công việc chậm. Khi các chủ đầu tư BOT còn chần chừ, thích thu phí thủ công hơn tự động, bộ GTVT cần phải quyết liệt hơn.

Theo tổng cục Đường bộ Việt Nam, tới hết năm 2018, đã có 26/44 trạm thu phí đường bộ vận hành làn thu phí tự động không dừng, với 91/605 làn thu phí tự động.

Ngoài ra, còn 7 trạm thu phí với 18 làn thu phí tự động đang vận hành thử. Cùng thời gian, có hơn 680.000 ô tô dán thẻ đầu cuối cho thu phí tự động, trên tổng số hơn 2,8 triệu ô tô đang lưu hành. Tuy nhiên, trong số ô tô đã dán thẻ, chỉ có khoảng 30% nộp tiền vào tài khoản trả phí, trong số đã nộp tiền cũng chỉ có khoảng 20% xe sử dụng thu phí tự động.

Thu Huyền