Môi trường

Chạm mặt loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất thế giới

Với số lượng quần thể chưa tới 80 con, voọc Cát Bà hiện đang là loài linh trưởng quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Voọc Cát Bà là loài động vật đặc hữu của Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo quần Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Từ hàng nghìn cá thể, do sự săn bắt quá mức của thợ săn địa phương, đến nay, voọc Cát Bà chỉ còn chưa đến 80 con. Để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này, thời gian qua, chính quyền Tp.Hải Phòng, huyện Cát Hải, nhất là Vườn quốc gia Cát Bà có nhiều biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắn trái phép (Trong ảnh: Bầy voọc Cát Bà đang ăn lá của cây si mọc trên vách đá khu vực Cửa Đông).

Voọc Cát Bà hiện chủ yếu sinh sống tại bốn khu vực, gồm: Hang Vẹm, Cửa Đông, Giỏ Cùng, Vạn Tà. Voọc Cát Bà không ở cố định một chỗ mà di chuyển liên tục để tìm kiếm thức ăn. Chúng có thói quen kiếm ăn ở đâu sẽ ngủ tại khu vực hang gần mép nước nơi đó. Voọc Cát Bà có đặc điểm rất dễ nhận biết là phần đuôi dài. Con non khi sinh ra có bộ lông vàng tươi. Khi trưởng thành phần lông chuyển sang màu đen, lông chỏm đầu màu trắng (Trong ảnh: Đàn voọc Cát Bà gồm 6 con đang chuẩn bị về hang để ngủ chiều tối 11/8).

Voọc Cát Bà thường có hành động rất dễ gây hiểu lầm là bắt chấy, rận giúp nhau. Thực tế, chúng lấy muối đọng trên lông của đối phương để ăn (Trong ảnh: Hai con voọc Cát Bà tại khu vực Cửa Đông nghỉ ngơi trước khi vào hang ngủ).

Voọc Cát Bà di chuyển rất nhanh nhẹn, khéo léo trên các vách núi thẳng đứng. Tuy nhiên, do phần đuôi quá dài, chúng không biết bơi. Phần đuôi dài là công cụ giúp chúng uống nước. Nếu khát, chúng chỉ cần ngồi trên vách đá rồi nhúng đuôi xuống nước, sau đó thưởng thức nước ngấm vào lông (Trong ảnh: Con voọc Cát Bà đang sinh sống tại khu vực Hang Vẹm di chuyển trên vách đá tìm kiếm thức ăn).

Voọc Cát Bà có tập tính sinh sống theo đàn. Trong đó, con đực trưởng thành làm đầu đàn và các con cái, con non. Khi các con non trưởng thành, nếu là con cái sẽ được giữ lại đàn, còn con đực bị đuổi đi để lập đàn mới. Những con đực trưởng thành bị đuổi đi thường tranh giành với các con đực đầu đàn ở đàn khác để chiếm đàn (Trong ảnh: Đàn voọc ở khu vực Cửa Đông nghỉ ngơi trước khi đi ngủ).

Voọc Cát Bà hiện đang được chính quyền, các cơ quan chức năng Tp.Hải Phòng bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà (Trong ảnh: Ông Lê Ngọc Nghị, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cát Dứa quan sát bầy voọc Cát Bà tại khu vực Hang Vẹm).

Voọc Cát Bà cũng là chủ đề được các nghệ sĩ nhiếp ảnh ưa thích. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng có điều kiện hay may mắn bắt gặp đàn voọc ở khoảng cách gần như thế này (Trong ảnh: Các nghệ sĩ nhiếp ảnh CLB Ảnh báo chí Hội Nhà báo Hải Phòng say mê chụp ảnh đàn voọc ở khu vực Cửa Đông).

Voọc Cát Bà hiện là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch tới Cát Bà. Trong hành trình thăm quan các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp bầy voọc “bằng xương, bằng thịt” đang nhẩn nha kiếm ăn lá cây mọc trên vách đá (Trong ảnh: Khách du lịch tỏ ra vô cùng hào hứng khi bắt gặp bầy voọc Cát Bà tại khu vực Cửa Đông).

Voọc Cát Bà không chỉ là niềm tự hào của Vườn quốc gia Cát Bà, mà còn của người dân huyện Cát Hải nói riêng, Tp.Hải Phòng nói chung (Trong ảnh: Cổng chào vào khu du lịch Cát Bà mới được khánh thành lấy ý tưởng từ hình ảnh phần đầu của voọc Cát Bà).