Tiêu điểm

Chậm di dời trụ sở bộ ngành, Bộ trưởng Xây dựng nhận trách nhiệm

Nguyên nhân của tình trạng này được người đứng đầu ngành xây dựng đưa ra là các cơ quan chưa quyết liệt, chậm xây dựng các đề án di dời...

Tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Nghị đánh giá về tiến độ di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Đại biểu đề nghị làm rõ những vướng mắc xung quanh vấn đề này và giải pháp xử lý?.

Đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến về tiến độ di dời các trụ sở, ông Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận triển khai chậm.

Nguyên nhân là các cơ quan chưa quyết liệt; chậm xây dựng các đề án di dời; nguồn ngân sách bố trí cho di dời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về việc đôn đốc và ông Nghị thừa nhận việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể thì chưa quyết liệt.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành xây dựng đề nghị bộ, ngành và Tp.Hà Nội tích cực lập quy hoạch ngành quốc gia; danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời; đồng thời có cơ chế chính sách và ngân sách phục vụ di dời theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao.

Các Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thủ đô trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và Tp.Hà Nội và các tỉnh trong vùng thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách di dời, đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 130.

Tp.. Hà Nội khẩn trương triển khai rà soát, lập nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng chấp nhận, lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả về kiến trúc cảnh quan, đô thịvà cuối cùng là quan tâm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ di dời.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường tranh luận.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực thành có rất nhiều trường hợp lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng chưa tuân theo quy định, định hướng chung. Như vậy, không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Yêu cầu Bộ trưởng cho biết đã thực hiện đúng Quyết định số 130 của Thủ tướng hay chưa? Trách nhiệm của Bộ thế nào?”.

Đại biểu lấy ví dụ nhà máy in Tiến Bộ khi di dời ra khỏi nội đô thì lại xây dựng trung tâm thương mại. Ngoài ra, nhà máy thiết bị bưu điện (Đường Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) khi di dời lại xây dựng tòa nhà 11 tầng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời.

Trên cơ sở đó, khi thực hiện di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng các quy hoạch đô thị.

Quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đô thị và trách nhiệm này là thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp yêu cầu, chưa phù hợp, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận đến nay hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá của nước ta cũng đã bộc lộ bất cập lạc hậu, thiếu chính xác như đại biểu đề cập.

Do đó, liên quan đến việc chưa cập nhật công nghệ kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại thì Bộ Xây dựng đã sớm nhận diện được vấn đề này và đã trình Thủ tướng phê duyệt 2 Đề án là Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và Đề án về hệ thống định mức và giá xây dựng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, ban hành các bộ tiêu chuẩn cốt lõi liên quan đến công trình xây dựng. Đối với hoàn thiện hệ thống định mức đơn giá, trách nhiệm Bộ Xây dựng là sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng.