Xi nhan Trái Phải

Cha mẹ "có vấn đề", nên tước quyền nuôi con

Vụ người cha nhẫn tâm hạ sát con đẻ rồi ném xác con xuống sông Hàn để phi tang ở Đà Nẵng khiến dư luận thêm một lần phẫn nộ. Giá như có hành động kiên quyết, "truất" quyền nuôi con của người cha mất nhân tính ấy từ sớm thì có lẽ mọi việc đã khác.

Những ngày qua, vụ người cha nhẫn tâm hạ sát con đẻ rồi ném xác con xuống sông Hàn để phi tang ở Đà Nẵng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và ném nhiều chỉ trích với người cha mất nhân tính. Hổ dữ còn không ăn thịt con, thế mà ở đây chỉ vì chút quấy khóc, nghịch ngợm thường thấy của con trẻ mà người cha ruột nhẫn tâm bóp cổ con đẻ đến chết rồi đợi đến vài ngày sau đó có thời cơ ném xác con xuống sông để phi tang. Tội ác của kẻ làm cha này rõ ràng cần phỉ báng và bao lời cay nghiệt thế nào cũng là đáng cho hành động trời không dung, đất không tha ấy.

Tuy nhiên, mọi lời nói bây giờ dẫu có cay nghiệt thế nào thì vẫn không đảo ngược được tội ác, không cứu được đứa trẻ tội nghiệp. Mọi việc chỉ có thể khác đi khi cộng đồng, hàng xóm, tổ dân phố lên tiếng bảo vệ đứa trẻ ngay khi thấy có biểu hiện bất thường từ người cha và gia đình kiên quyết tách con đứa trẻ khỏi mảnh ghép vỡ vụn của gia đình ấy ngay khi nhận thấy nguy hiểm.

Người nhà nạn nhân đớn đau đi tìm xác bé gái. 

Giá như người mẹ có hành động kiên quyết không để con sống cùng cha khi thấy những mâu thuẫn, bất ổn từ cuộc sống chung của con với chồng cũ và người tình của chồng.

Giá như người mẹ già có thể giữ con gái lại khi đứa trẻ một mực không muốn theo cha.

Giá như hàng xóm, cộng đồng, những người biết chuyện có thể lên tiếng bảo vệ đứa trẻ... thì đâu có sự ra đi tức tưởi của bé gái 8 tuổi tội nghiệp ấy.

Đã có không biết bao nhiêu vụ án đau lòng cha bóp cổ con đến chết, mẹ dã tâm sát hại núm ruột mình đẻ ra. Trong những vụ việc ấy, ngoài những trường hợp hiếm hoi cha mẹ sát hại con vì phút cả giận mất khôn, hầu hết các vụ việc đều rơi vào những hoàn cảnh gia đình mà cha mẹ có vấn đề về đạo đức, nhân cách.

Thực sự, có những cha mẹ sinh ra con nhưng vô cùng nguy hiểm nếu để sống cùng con. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu để một đứa trẻ đang tuổi hiếu động sống cùng với một người bố nóng tính, cục xúc và thích dạy con bằng nắm đấm? Đứa trẻ sẽ ra sao khi hàng ngày cùng chung mái nhà với người mẹ, người cha nghiện ngập sẵn sàng đánh đổi tính mạng con?...

Còn nhớ tháng 11 năm ngoái, người dân khối Tân Hòa, phường Vinh Tân (TP Vinh, Nghệ An) đã được phen hoảng hồn khi thấy người cha ngáo đá cởi trần, ôm con trai 2 tuổi đứng trên mái ngói của một ngôi nhà cao tầng bế con rồi thả xuống mái tôn phía dưới. Nếu hôm ấy không có người dân xung quanh trải đệm đón bé trai thì số phận cậu bé sẽ đi về đâu?    

Chưa kể đến những tổn hại về tinh thần và sự ảnh hưởng từ lối sống lệch lạc hay nhân cách thiếu lành mạnh, những đứa trẻ sống cùng bố mẹ “có vấn đề” còn có thể bị nguy hại đến mạng bất cứ khi nào. Sống trong một gia đình như vậy, tổ ấm có khi lại trở thành nơi mất an toàn nhất với đứa trẻ.   

Không phải ngẫu nhiên ở nhiều nước phương Tây luật quy định rất khắt khe về quyền nuôi con. Cha mẹ có thể bị mất quyền nuôi con tạm thời hay vĩnh viễn thậm chí chỉ qua những phản ánh về cách chăm dạy con từ hàng xóm.   

Không phải cứ sinh ra con là nghiễm nhiên nuôi con tốt, là có quyền sinh quyền sát với khúc ruột mình đẻ ra. Hãy để những đứa trẻ được sống trong môi trường lành mạnh dù có thể phải khước từ cuộc sống chung với người thân sinh ra chúng. Hãy lắng nghe con trẻ và có hành động bảo vệ chúng kiên quyết trước khi quá muộn. Và cũng rất cần có sự chung tay của các tổ chức bảo vệ trẻ em để mỗi khi cần bảo vệ mình, trẻ em có thể dễ dàng tìm đến.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.