Tài chính - Ngân hàng

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rộng mở sau đại dịch"

Madam Vietjet khẳng định trong thông điệp gửi cổ đông: "Chúng tôi đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch... Các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hàng không chi phí thấp là hình mẫu lý tưởng của khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng".

CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2019. Theo đó, một trong những điểm nhấn quan trọng của năm 2019 là Vietjet đã mở được 139 đường bay cả trong nước và quốc tế. Nhờ đó, hãng hàng không giá rẻ này nghiễm nhiên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất Việt Nam.

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo gửi "tâm thư" cho cổ đông trong báo cáo thường niên của Vietjet năm 2019.

Năm 2019, doanh thu của công ty mẹ sau kiểm toán là 41.252 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng, tăng tương ứng 22% và 27% so với năm 2018. Doanh thu phụ trợ đạt 11.305 tỷ, tăng 35,65 so với năm trước.

Vậy nhưng, bước sang đầu năm 2020, mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn. Đối diện với dịch Covid-19, Vietjet Air cũng như các hãng hàng không khác gặp rất nhiều khó khăn khi các đường bay gần như hoàn toàn tê liệt.

Đứng trước thách thức đó, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo lại rất lạc quan.

Trong bức "tâm thư" gửi cổ đông, Madam Vietjet khẳng định: "Chúng tôi đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch. Có thể với doanh nghiệp khác, việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng với mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hàng không chi phí thấp là hình mẫu lý tưởng của khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng".

Theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ngoài mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, dịch vụ phụ trợ... Vietjet đã tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài.

Biến động giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VJC năm 20119

Ngoài ra, khi giá xăng dầu xuống thấp kỷ lục, Vietjet đã triển khai chương trình bảo hiểm rủi ro nhiên liệu nhằm ổn định chi phí xăng dầu, mảng chi phí trọng yếu chiếm trên 40% tổng chi phí vận hành khai thác của hãng hàng không này.

"Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng trong năm 2020, cùng với sự ủng hộ của quý cổ đông và nhà đầu tư, Vietjet sẽ VỮNG VÀNG CẤT CÁNH BAY CAO, bảo vệ hành tinh Xanh, tiếp tục là hãng hàng không đóng vai trò động lực cho thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế, đầu tư cho quốc gia và thế giới".

Kết quả kinh doanh năm 2019 của Vietjet Air

Trước đó, trong cuộc chiến chống Covid-19, lãnh đạo Vietjet cũng gửi tâm thư đến nhân viên rằng với diễn biến phức tạp, hãng phải điều chỉnh kế hoạch khai thác với quy mô lớn. Quỹ lương cũng phải buộc tạm thời điều chỉnh, ban giám đốc giảm 25%, phó giám đốc và trưởng phòng lần lượt 20% và 10%... 

Còn với phi công, mức lương cơ bản sẽ được đảm bảo gắn với giờ bay, tiếp viên sẽ bố trí nghỉ một số ngày trong tháng không nhận lương. Đối tượng nhân viên thu nhập dưới 10 triệu hoặc ở vùng dịch sẽ không điều chỉnh lương. 

Hồi tháng 3 năm nay, theo văn bản được Bộ GTVT gửi Bộ KH&ĐT về tình hình ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19, thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng (lớn hơn 5.000 tỷ so với dự tính hồi cuối tháng 2).

“Thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới hết sức phức tạp và việc khôi phục bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải cuối năm 2021, thị trường hàng không quốc tế mới khôi phục bằng năm 2019,” ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Thậm chí, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines còn khẳng định dịch Covid-19 là “chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không". Trước đó, tiềm lực tài chính của Vietnam Airlines rất lớn. Tiền mặt, các khoản đều ở mức độ dự trữ tài chính mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước của đơn vị này coi như về 0.