Tài chính - Ngân hàng

CEO MB lý giải nguyên nhân tăng vốn điều lệ cao đột biến

Dự kiến, sau 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng MB sẽ tăng thêm 38% lên hơn 38.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 27/4/2021, ngân hàng TMCP Quân đội – MBBank (MBB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại đại hội, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB cho hay, năm 2021, MB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 13.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Kế hoạch này dựa trên mục tiêu tổng tài sản tăng 11%; tín dụng tăng trưởng trong khoảng 10 - 11%; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,5%. Trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 sẽ tăng trưởng quanh mức 10%.

Toàn cảnh ĐHĐCD thường niên năm 2020 của MB.

Về kế hoạch này, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc chia sẻ thêm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay hoặc giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp, gia hạn thời gian cơ cấu nợ để hỗ trợ doanh nghiệp (Thông tư 03/2021/TT-NHNN). Do đó, ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Trong bối cảnh lãi suất cho vay và huy động tiếp tục giảm, dự báo năm 2021, doanh thu toàn ngành tăng trưởng trên dưới 15-20% tùy theo từng kịch bản. 

Tại ĐHĐCĐ, MB trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 38,2% từ 27.987 tỷ đồng lên 38.675 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến được thực hiện qua 3 lần, gồm: Phát hành cổ phần để chia cổ tức; chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Tổng ba đợt tăng vốn, ngân hàng sẽ tăng thêm trên 10.688 tỷ đồng vốn điều lệ. 

Lần thứ nhất là tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% để tăng vốn thêm thêm 9.795 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành tối đa quý IV/2021.

Lần tăng vốn thứ 2 thêm 700 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu); và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. 

Cụ thể, MB dự kiến bán cho Viettel 43 triệu cổ phiếu với giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm gần nhất.

Một cổ đông đặt ra câu hỏi tại sao không bán cho Viettel giá cao hơn hoặc bằng giá thị trường? 

Lãnh đạo MB cho hay: “Vì Viettel là cổ đông lớn nhất của ngân hàng đến nay. Bên cạnh đó, Viettel hỗ trợ nền tảng khách hàng và công nghệ thông tin cho MB. Hiện, Viettel có 50 triệu thuê bao thì đã có tới 8 triệu khách hàng trở thành khách hàng của MB, giúp ngân hàng thu về hàng trăm tỷ đồng. Do đó, việc đưa ra giá bao nhiêu phải phụ thuộc vào lợi ích hai bên”.

Lần tăng vốn thứ 3 tăng thêm 192,4 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt và nhân viên tài năng (ESOP). 

Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, MB dự kiến dành 4.783 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực Hồ Chí Minh và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng); và 5.905 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới, …).

Với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 38,2%, một cổ đông có đưa ra ý kiến trước bối cảnh dịch Covid-19 không khả quan, nền kinh tế Việt Nam chưa hồi phục, do đó nhu cầu vay vốn vẫn còn hạn chế; tại sao lại đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ đột biến so với các năm trước? 

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Lưu Trung Thái cho rằng: “Mỗi năm ngân hàng đều tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động dựa trên quy mô tài sản (phụ thuộc vào cho vay, huy động vốn), việc tính toán tăng vốn làm gì cho phù hợp chiến lược 5 năm là rất quan trọng. Năm 2021, ngân hàng kết thúc chiến lược 5 năm, quy mô tài sản đều vượt chiến lược. Trong 5 năm tiếp theo, chúng tôi đang chuẩn bị chiến lược mới tập trung đầu tư vào mô hình tập đoàn sẽ bao gồm ngân hàng và 6 công ty thành viên, trong đó hướng tới kinh doanh tập đoàn và quy mô thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải tăng vốn. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng có không gian phát triển nhanh hơn”. 

Chia sẻ thêm về việc chia cổ tức 35% cho năm 2020, ông Thái cho hay: “Ngân hàng xác định không dùng tiền của cổ đông hiện hữu mà chia bằng nguồn lợi nhuận để lại. Nếu được đề xuất tôi chỉ đề xuất chia cổ tức 20% cho năm vừa qua vì chia cổ tức nhiều thì sức ép lên ban điều hành càng lớn. Năm sau sẽ chia cổ tức 10 - 15% cho hiệu quả hoạt động của năm 2021. Tại sao không chia tiền mặt thì đó là do mục tiêu phát triển của ngân hàng cũng như chính sách của Ngân hàng Nhà nước”.

Ông Lưu Trung Thái cũng lý giải về vụ lùm xùm MB "siết nợ" chủ đầu tư Ocean Park Vân Đồn khiến dư luận quan tâm thời gian vừa qua. “Đây là khoản nợ đến hạn, quá hạn thanh toán. Chúng tôi đã quyết liệt bàn với khách hàng, cùng khách hàng bán sản phẩm. Đến nay, ngân hàng thu được khoảng 60%.

Lùm xùm vừa rồi không có vấn đề gì quá gay gắt. Họ muốn gây sức ép lại lên ngân hàng. Chúng ta đã hỗ trợ họ nhưng không thể cứ lùi mãi mà chỉ lùi vài ba lần thôi. Bán hàng mà không trả tiền, ngân hàng chúng ta cũng không thể để việc đó xảy ra. Những khiếu nại vừa rồi có sự tham gia giải quyết với chính quyền địa phương và đảm bảo tuân thủ pháp luật".

Năm 2020, tổng tài sản của MB tăng 8% đạt 494.982 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng phù hợp đạt 344.751 tỷ; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát 1,09%. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn đạt 130 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35% tổng vốn huy động của ngân hàng riêng lẻ và 32% ngân hàng hợp nhất. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của MB đạt 10.668 tỷ đồng, MB tiếp tục vào nhóm ít ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Nhìn chung, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã giao.