Sự kiện

Cây ăn quả có múi Hòa Bình hướng tới mục tiêu xuất khẩu

Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có chuyến công tác, khảo sát về tình hình quản lý, sản xuất cây ăn quả có múi tại tỉnh Hòa Bình.

Với địa hình đồi núi và hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đồng đều, kết hợp với khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Hòa Bình được đánh giá là địa phương rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi…

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, xác định cây ăn quả có múi là mặt hàng nông sản chủ lực, những năm gần đây, địa phương hết sức chú trọng về công tác chuyên canh theo vùng nhằm tận dụng triệt để ưu thế về địa hình và khí hậu. Toàn tỉnh hiện có 2.119 ha diện tích cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,…

Diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh tăng trưởng rõ rệt, từ 1.005ha năm 2010 đến nay đã đạt 10.840ha. Trong đó có gần 8.000 ha kinh doanh với sản lượng dự kiến 155 nghìn tấn. Thu nhập của người dân cải thiện đáng kể khi mỗi năm, một ha cây ăn quả cho bình quân thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng. 

Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hòa Bình (WB7) đem lại nhiều thay đổi tích cực khi góp phần hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh. Khâu tiêu thụ sản phẩm cũng rất được Hòa Bình chú trọng khi khuyến khích người dân đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử…

Tuy nhiên, công tác áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết nhằm nâng cao thương hiệu và giá trị nông sản còn tồn tại nhiều hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng sử dụng giống chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ khiến cho chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều.

Nhằm tổ chức lại hoạt động sản xuất cây ăn quả có múi, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030” với 9 nhóm giải pháp cụ thể và 5 dự án ưu tiên. Trong đó, đến năm 2025 tập trung tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong với quy mô khoảng 1.500 ha.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ, hướng dẫn đẩy nhanh công tác cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện sớm bố trí nguồn vốn để tỉnh triển khai một số dự án nông sản trọng điểm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để nâng cao năng lực sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, Hòa Bình cần sớm hoàn thành công tác cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, để đảm bảo xu hướng phát triển bền vững, công tác tái canh cây có múi trong giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030 đạt hiệu quả cao, vấn đề chọn giống, kỹ thuật cải tạo đất cũng phải hết sức chú trọng.  

"Bộ NN-PTNT luôn ủng hộ và đồng hành cùng Hòa Bình trong công tác phát triển cây có múi, hướng tới mục tiêu xuất khẩu", Thứ trưởng khẳng định.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi thăm và kiểm tra tại một số địa điểm như cơ sở sản xuất cây giống tại phường Trung Minh (Tp.Hòa Bình), vườn bưởi- cam tại huyện Cao Phong.