Dân sinh

Cầu nối đưa nông sản Hà Tĩnh vươn xa: Lễ hội Cam - kết nối thương hiệu nông sản (Bài 1)

Từ chỗ các địa phương không mặn mà tham gia, đến nay, qua 5 mùa, lễ hội Cam đã khẳng định được ý nghĩa, vai trò kết nối nông sản Hà Tĩnh đến người tiêu dùng.

 

Cơ hội kết nối

Năm năm qua, sở Công Thương Hà Tĩnh với vai trò là đơn vị chủ trì đã tổ chức thành công các Lễ hội Cam của tỉnh, trở thành cầu nối đưa thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh đến gần hơn với người tiêu dùng và các nhà phân phối lớn.

Là đơn vị suốt 5 năm qua chưa “để sót” một “Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp” nào, anh Đinh Nho Tuấn, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) mật ong Cường Nga (đóng tại thôn 5, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, HTX của anh năm nào cũng tham dự, từ gian hàng tại các lần tổ chức lễ hội đã thực sự có hiệu quả, giúp HTX quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Cam bù Hương Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.

“Qua mấy lần tham gia hội chợ, khách hàng đã biết đến sản phẩm mật ong Cường Nga. Có nhiều phiên, chúng tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Nhưng cái được nhiều nhất là sau hội chợ, khi khách hàng sử dụng, kiểm định chất lượng, họ đã quay lại, liên hệ mua rất nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, mật ong của cơ sở anh là mật ong tự nhiên, được nuôi dưới tán rừng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện, có một bạn hàng là công ty dược ở miền Nam tiêu thụ sản phẩm mật ong của HTX rất lớn . Khách hàng này, kết nối với HTX của anh qua Lễ hội Cam được tổ chức vào năm 2021.

Sản phẩm Mật ong Cường Nga hiện đang phân phối cho nhiều hệ thống cửa hàng dược phẩm trong và ngoài tỉnh.

Huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là thủ phủ giò, chả, với “thâm niên” hàng chục hộ làm nghề nối tiếp 4 – 5 thế hệ. Theo anh Nguyễn Hữu Duẫn, chủ cơ sở sản xuất giò chả nem Thành Duẫn, đóng tại thôn Yên Nghĩa, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, cũng giống như nhiều hộ làm nghề khác, từ những ngày đầu sơ khai, hộ làm nem giò Thành Duẫn cũng chỉ được người tiêu dùng tại địa phương biết đến khiến cho doanh thu hạn chế.

Giò Thành Duẫn - một trong những thương hiệu nổi tiếng được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Năm 2020, anh mạnh dạn tham gia Lễ hội Cam - đặt nền móng cho việc gây dựng thương hiệu nem giò Thành Duẫn ra thị trường. Năm 2021, sản phẩm giò, nem của cơ sở anh được chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh nhưng để “vươn mình”, có được bạn hàng ngoại tỉnh, ổn định nguồn thu lại vô cùng khó khăn.

Anh Duẫn phấn khởi cho hay, sau 3 năm tham dự Lễ hội Cam, thương hiệu cơ sở anh đã được nhiều bạn hàng biết đến, kết nối. Hiện, ngoài cung cấp tại địa phương, cơ sở anh còn cung cấp sản phẩm giò, nem cho nhiều bạn hàng lớn tại các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, TP.Vinh, Đà Nẵng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh; doanh thu đạt 1,2 tỷ/năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương.

“Đây là năm thứ 2 công ty chúng tôi tham dự Lễ hội Cam. Qua nhiều lần tham dự, chúng tôi đã kết nối được các đối tác lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành khác, qua đó, tăng doanh thu. Hiện, công ty chúng tôi đang ký hợp đồng liên kết, hỗ trợ đầu ra các các hộ chăn nuôi huơu ở huyện Hương Sơn, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương”, bà Lưu Bắc Giang, Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhung Hươu Việt (đóng tại thôn Đông, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết.

Từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo ông Trương Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công Thương Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 249 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao; trên 142 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu.

Chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ là điều kiện cần và đủ cho nông sản Hà Tĩnh khẳng định được thương hiệu, tìm chỗ đứng trên thị trường.

Mục đích của Lễ hội Cam là để quảng bá sản phẩm cam và các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và nước ngoài (trực tuyến). Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kết nối, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc trưng, Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và quốc tế như: Cu đơ Hà Tĩnh, Nhung Hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe  Mây, cam Chanh Hà Tĩnh, mực nháy Vũng Áng, gạo Rươi Đức Thọ, gạo Ngọc Mầm, gạo Xuyên Hương, nước mắm Lạch Kèn, giò me Tiến Giáp, nem Ý Bình…

Gian hàng rượu nhung huơu được bày bán, quảng bá tại “Lễ hội Cam và nông sản Hà Tĩnh” năm 2023.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Công Thương, qua các mùa tổ chức Lễ hội Cam đã nâng tầm nhận thức cho chính quyền địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia, giúp cho đặc sản địa phương được quảng bá, đến gần với người tiêu dùng.

“Sau 5 năm tổ chức, Lễ hội Cam, đã tạo được sự lan tỏa, mở rộng giao lưu hợp tác giữa nhà sản xuất và tiêu thụ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm của Hà Tĩnh đến người tiêu dùng trong tỉnh, cả nước và nước ngoài. Từ việc tiêu thụ mạnh đã góp phần mở rộng diện tích trồng cam, bưởi trên toàn tỉnh. Hiện, Hà Tĩnh có tổng 7.714 ha diện tích trồng cây có múi – cây trồng chủ lực của tỉnh nhà, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương”, ông Thuận nói.

Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch”, “Cam bù Hương Sơn” được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch”, “Cam bù Hương Sơn” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2022, sản phẩm nhút mít Hương Sơn và mực nháy Vũng Áng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chọn vào TOP món ăn đặc sản Việt Nam; rượu nếp Can Lộc và ram dẻo được chọn vào TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Bài 2: Chuyển đổi số nâng tầm Nông sản Hà Tĩnh