Cầu hôn không có lỗi… lỗi tại người cầu hôn

Người ta không thể giấu hai thứ trên đời: khi say và khi yêu. Nhưng liệu thể hiện tình yêu thái quá nơi công cộng có nên hay không?

Xưa nay, người Việt vốn không có phong tục cầu hôn, nhưng dần dần phong tục lãng mạn này đã tràn vào trong giới trẻ. Bày tỏ tình yêu cũng là một nhu cầu, nhưng, thể hiện sao cho có văn hóa thì không phải ai cũng ý thức và làm được điều đó.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một nữ sinh trường ĐH Vinh được thầy giáo đang công tác tại trường này quỳ gối cầu hôn. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như hành động đó không thực hiện trong buổi lễ tốt nghiệp đầy long trọng.

Lễ tốt nghiệp, cũng là ngày vui của thầy trò sau thời gian dài dạy - học – thi đầy vất vả. Đây cũng là buổi lễ bế giảng chung của sinh viên toàn trường có sự chứng kiến của các thầy cô và sự có mặt của các bậc cha mẹ học sinh nên sự trang nghiêm là điều cần có. Nhưng lúc này, sự xuất hiện vị khách đặc biệt cùng hành động cũng đặc biệt như tên gọi thì tôi đang không biết gọi tên buổi lễ đó là gì, lễ tốt nghiệp - cầu hôn chăng?

Hình ảnh người đàn ông quỳ gối cầu hôn cô sinh viên tại buổi lễ tốt nghiệp.

Với quan điểm của cá nhân, việc thể hiện tình yêu, thể hiện hạnh phúc là việc được khuyến khích, khi mà hạnh phúc lại rất dễ lây lan. Cũng chính vì điều này mà khi yêu ai đó, người ta thường có xu hướng chia sẻ sự hạnh phúc của mình, nói về tình yêu của mình và thể hiện tình yêu với người yêu ở… bất cứ đâu.

Tuy nhiên, trong tình yêu, việc thể hiện có chừng mực và tinh tế là một điều cần phải học để không biến yêu thương đẹp đẽ trong mắt mình trở thành một điều không đẹp mắt đối với người xung quanh.

Không hiểu sao, bất giác tôi lại nhớ đến một sự việc tương tự như thế của một danh hài nổi tiếng và một cô diễn viên cũng không kém phần thu hút. Nam danh hài chủ động chiếm sân khấu, chiếm sóng để cầu hôn nữ diễn viên với những lời lẽ kém duyên trước sự chứng kiến của cả triệu người. Hành vi đó có thể làm một vài người cười vì cho đó là... vui, nhưng, việc làm quá lố đó chứng minh được điều gì, một tình yêu đích thực chăng, hay một tấm lòng thành thật, hay một trình độ văn hoá ứng xử giữa cộng đồng?

Tuyệt nhiên, đừng coi cầu hôn nơi công cộng như một sách lược "tấn công" buộc "đối phương" chấp nhận. Và cũng đừng biến những khán giả bất đắc dĩ phải xem những thứ làm ảnh hưởng tới họ. Và tình yêu thì không bao giờ có lỗi, có chăng lỗi tại người cầu hôn!