Thế giới

Câu hỏi quan trọng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon SVB

Sự cố tại SVB có thể là “một tình huống cá biệt”, khó có thể gây ra hiệu ứng domino đã siết chặt ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự sụp đổ bất ngờ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã làm náo loạn các thị trường tài chính. Cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung đều biến động. Cổ phiếu của các ông lớn ngành ngân hàng Mỹ như JPMorgan Chase (JPM), Bank of America (BAC), Wells Fargo (WFC) và Citigroup (C) đều bị giảm 4-7% hôm 9/3, và ổn định trở lại hôm 10/3, nhưng các ngân hàng nhỏ hơn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Quỹ hoán đổi danh mục theo dõi các ngân hàng khu vực, SPDR S&P Regional Banking ETF, đã giảm hơn 6%. Và các ngân hàng ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng.

Vụ việc đặt ra câu hỏi quan trọng: Liệu đây có phải dấu hiệu tiềm ẩn bắt đầu một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn?

Bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall, các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino đã siết chặt ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự cố tại SVB có thể là “một tình huống cá biệt”, ông Mike Mayo, nhà phân tích ngân hàng cao cấp tại Wells Fargo, cho biết.

“Nó khác một trời một vực so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ 15 năm trước”, ông Mayo nói với CNN hôm 10/3. Theo ông, hồi đó, “các ngân hàng đã chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người nghĩ rằng mọi thứ đều ổn. Còn bây giờ mặc dù mọi người đều lo lắng, nhưng các ngân hàng đã kiên cường hơn so với trước đây”.

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có khách hàng phần lớn là các công ty khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ảnh: Bloomberg

Cuộc khủng hoảng của SVB là kết quả của những căng thẳng mà chính bản thân ngân hàng này phải đối mặt, chứ không phải là những căng thẳng được coi là có tính hệ thống sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành ngân hàng, theo ông Ken Leon, chuyên gia tại CFRA Research.

Ông Leon cũng cho rằng các quy định chặt chẽ hơn mà chính phủ Mỹ ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp ngăn chặn “cái sảy nảy cái ung”.

Trong một lưu ý tuần này, ngân hàng Phố Wall Morgan Stanley trấn an khách hàng: “Chúng tôi muốn nói rõ ở đây… chúng tôi không tin rằng có một cuộc khủng hoảng thanh khoản đối với ngành ngân hàng và hầu hết các ngân hàng trong phạm vi bảo hiểm của chúng tôi đều có khả năng tiếp cận thanh khoản dồi dào”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mô tả lĩnh vực ngân hàng Mỹ là “kiên cường”, trong khi bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho rằng thảm họa sẽ được ngăn chặn, viện dẫn những cải cách đã được thực hiện ở Mỹ.

“Hệ thống ngân hàng của chúng ta về cơ bản đã khác so với một thập kỷ trước”, bà Rouse cho biết tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 10/3.

Sau sự sụp đổ năm 2008 của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, các nhà quản lý Mỹ đã yêu cầu các ngân hàng lớn nắm giữ thêm vốn trong trường hợp gặp khó khăn. Các nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng thường xuyên tổ chức các “bài kiểm tra căng thẳng” được thiết kế để phát hiện ra các lỗ hổng tại các ngân hàng lớn nhất.

Tương tự, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nói với Bloomberg News hôm 10/3 rằng ông thấy “không có rủi ro hệ thống” nếu tình hình “được xử lý hợp lý”, đồng thời bổ sung rằng ông có “mọi lý do để tin rằng mọi sự sẽ ổn”.

Một thông báo ra ngày 10/3/2023 dán trên cửa tại chi nhánh Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở San Francisco, cho biết rằng SVB đã được Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản. Ảnh: NY Times

Theo Morgan Stanley, SVB gặp rắc rối vì không có sự đa dạng trong tệp khách hàng. Morgan Stanley cho biết: “SVB chủ yếu là ngân hàng dành cho các công ty công nghệ, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, và là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm”.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự xoay trục mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với lãi suất cho vay cao hơn nhiều dẫn đến khách hàng có nhu cầu rút tiền gửi lớn hơn.

Minh Đức (Theo Digital Journal, CNN)