Tiêu điểm thế giới

Câu hỏi để ngỏ: Saudi Arabia "giàu có, quyền lực" có đủ hấp dẫn để "lôi kéo" Nga rời xa Iran?

Để trả lời câu hỏi này, người ta phải xem xét về việc lập trường của Nga có giống với Mỹ hay không.

Iran vẫn là đối tác truyền thống với Nga.

Lập trường của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nổi tiếng với khiếu hài hước và những phát biểu mang đầy hàm ý sâu xa.

Điều này một lần nữa được thể hiện trong phát biểu hồi đầu tuần, khi ông khuyên Saudi Arabia hãy tự bảo vệ mình bằng cách đưa ra quyết định sáng suốt như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia đã mua các hệ thống phòng không của Nga.

Khi được Tổng thống Iran ngồi cạnh cười hỏi: “Saudi nên mua gì, S-300 hay S-400?”. Câu trả lời của ông Putin rất nhanh gọn: “Hãy để họ tự chọn”.

Phản ứng của Nga trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia đã nói lên nhiều điều về lập trường của nước này ở Trung Đông, Foreign Policy nhận định.

Nếu cuộc khủng hoảng xảy ra vài năm trước, ít ai quan tâm đến những gì Moscow nghĩ về các vấn đề vùng Vịnh. Nhưng hiện tại, nhờ vào sự can thiệp quân sự hiệu quả ở Syria, Nga được coi là một nhà môi giới quyền lực đầy sức nặng.

Thậm chí, người ta cũng sẽ không bất ngờ nếu như nhà lãnh đạo Nga đưa ra một tuyên bố đáp trả những kẻ tấn công trong vụ việc trên giống như những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường làm mỗi khi có sự gây hấn nào đó.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã không phản ứng theo cách đó. Không giống như Mỹ, Nga không đứng bên phe nào trong cuộc đối đầu Iran-Saudi.

Đặc thù chính sách của Nga là giữ mối quan hệ dung hòa với các bên: Bao gồm cả Iran với các quốc gia đối đầu truyền thống như Saudi và Israel, với Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Damascus và các đối thủ.

Với một dấu ấn quân sự tương đối khiêm tốn, Nga không đảm nhiệm vai trò “cảnh sát trưởng” ở những nơi đặt chân đến và tránh xa những cuộc cãi vã không liên quan đến mình.

Tương tự như vậy, Moscow tìm cách tạo ra lợi ích địa chính trị và thương mại mà không gặp phải rủi ro quá mức.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với Mỹ, khi trong tất cả các ý định và mục đích, Washington vẫn muốn thứ quyền lực bá quyền ở Trung Đông và do đó phải trả giá bằng chi phí duy trì trật tự  này.

Nga có vì Saudi mà đảo ngược Iran?

Thái tử Mohammed bin Salman có mối quan hệ ngày càng phát triển với Tổng thống Putin.

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga đã phát triển mạnh mẽ. Thái tử quyền lực Mohammed bin Salman từng có những khoảnh khắc đầy thân tình với ông Putin tại trận khai mạc FIFA World Cup 2018.

Vào tháng 10/2017, Quốc vương Salman cũng trở thành quốc vương đầu tiên của Saudi Arabia đến thăm Moscow, một thập kỷ sau chuyến thăm chính thức của ông Putin tới Riyadh – cũng là một lần đầu tiên khác.

Hôm 18/9, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, xác nhận ông sẽ có chuyến thăm trở lại đất nước Ả Rập vào mùa Thu này.

Chính phủ Nga đã từng coi vùng Vịnh là nơi nung nấu những mối đe dọa lớn đến an ninh quốc gia. Nhưng ngày nay, khu vực này coi là thị trường vũ khí đầy tiềm năng.

Lời mời gọi Saudi Arabia mua hệ thống phòng không của ông Putin có thể chỉ là nửa đùa nửa thật. Nhưng sau tất cả, vẫn có hàng loạt các quốc gia đang tìm đến Nga. Ai Cập vừa ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để mua 50 máy bay chiến đấu MiG-35. Tiền vùng Vịnh đang đổ đầy vào kho bạc của Nga.

Tuy nhiên, cây bút Dimitar Bechev của Foreign Policy cho rằng, mối quan hệ hợp tác đang lên giữa Moscow và Riyadh không làm thay đổi thực tế rằng Iran vẫn là đối tác mà Nga có sự ưu tiên hơn.

Mặc dù lợi ích mà Nga có được từ hai nước đôi khi bị sai lệch, quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thương mại với Tehran vẫn tốt hơn Saudi Arabia tại bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Cùng với châu Âu, Nga là quốc gia bảo đảm cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Không những vậy, Tổng thống Putin hiện đang đóng vai trò là một người hòa giải ở Yemen, trong cuộc đối đầu giữa phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn và liên minh do Saudi dẫn đầu.

Moscow cũng là đồng minh của Tehran tại Syria, nơi hai nước cùng với Thổ Nhĩ Kỳ vừa có hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Ankara hôm 16/9, công bố tiến trình thành lập một ủy ban hiến pháp ở quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá.

Thông qua cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo Putin và Rouhani đã thúc đẩy Tổng thống Erdogan bước gần hơn đến việc khôi phục quan hệ với chính quyền Assad.

Ngoài ra, người Iran đã đạt được một lợi ích quan trọng khác trong việc khiến Nga (cũng như Thổ Nhĩ Kỳ) lên án cuộc không kích của Israel ở Syria. Bất kể có sự khác biệt nào, người Nga và người Iran vẫn đang đứng vững trên mặt đất và gác qua một bên những chia rẽ không đáng có.

Những tuyên bố sắt đá của Washington về Iran thậm chí có khả năng sẽ đưa Moscow và Tehran đến gần nhau hơn nữa.

Mới đây, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã lên án mạnh mẽ tuyên bố của Mỹ khi đổ lỗi cho Iran tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở chế biến dầu khí tại Khurais và Abqai của Saudi Arabia.

Tất nhiên, với lập trường chắc chắn của Nga, nếu căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát và Mỹ khai mào cuộc chiến chống Iran, người Nga sẽ đứng bên lề.

Với bước đi khiến nhiều người lo ngại như vậy của Washington, Tổng thống Putin sẽ có thêm một cơ hội khác để đánh bóng hình ảnh của mình như một ngôi sao đang lên ở Trung Đông.

“Có rất ít quốc gia có thể đồng thời duy trì mối quan hệ tích cực với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Saudi, Ai Cập và Israel. Điều này khiến Nga trở thành một ứng cử viên hoàn hảo cho vai trò trung gian hòa giải trong khu vực”, Nikolay Kozhanov, một nhà phân tích của Chatham House ở London nhận định.