Thế giới

Câu chuyện giá cả khiến mùa Valentine năm nay của người Mỹ kém vui

Trung bình, mỗi người Mỹ sẽ phải chi 175 USD cho mùa Valentine năm nay, tăng từ mức 165 USD năm 2021.

Dự kiến người Mỹ sẽ chi một số tiền kỷ lục cho các món quà và lễ kỷ niệm nhân dịp Ngày lễ Tình nhân (Valentine's Day) năm nay trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn.

Gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn

Lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng đang khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi nhiều hơn cho hoa và sôcôla – 2 món quà truyền thống của dịp lễ này.

Giá hoa tăng do một số nhà sản xuất đã ngừng hoạt động. Banchet Jaigla, chủ một của hàng hoa ở thành phố New York, cho biết bà đã phải tăng giá hoa khoảng 20%.

"Hiện tại, rất nhiều trang trại cung cấp hoa cho cửa hàng đã ngừng kinh doanh", bà nói với phóng viên của CBS News. "Giá hoa tăng cao hơn, dịch vụ vận chuyển cũng tăng theo".

Hạn chế về nguồn cung và chi phí vận chuyển cũng đang ảnh hưởng đến các mặt hàng như kẹo và sôcôla.

Anthony Cirone, đồng sở hữu của thương hiệu Li-Lac Chocolates ở thành phố New York, cho biết người tiêu dùng sẽ phải chi một số tiền “khủng” để mua được những hộp sôcôla hình trái tim trong năm nay.

"Chúng tôi đã phải tăng 50% giá các hộp sôcôla Valentine do chi phí vận chuyển nói chung đã tăng cao", Cirone cho biết.

Sản phẩm sôcôla hộp trái tim phục vụ dịp lễ Tình nhân Valentine của thương hiệu Li-Lac Chocolates ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: CBS News

Theo Cirone, giá một hộp sôcôla Valentine năm ngoái được bán với giá 48 USD (gần 1,1 triệu Đồng), năm nay có giá 60 USD (1,36 triệu Đồng).

Và không chỉ sôcôla và hoa. Giá đồ trang sức và chi phí ăn uống tại nhà hàng cũng tăng. Tất cả khiến người Mỹ sẽ phải chi khoảng 24 tỷ USD – một mức chi tiêu dự kiến kỷ lục – cho mùa lễ Valentine năm nay.

Điều đó nghĩa là, trung bình mỗi người Mỹ sẽ chi 175 USD năm nay, tăng từ mức 165 USD năm 2021, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia.

Sức nóng của lạm phát

Nếu việc giá cả sôcôla trở nên đắt đỏ khiến người Mỹ nghĩ đến việc tặng những chiếc bánh cupcake nho nhỏ thay cho sôcôla cho dịp Valentine đang cận kề, thì giải pháp này vẫn rất không ổn, vì ngay cả giá bột mì cũng tăng chóng mặt do lạm phát nóng.

Giá các nguyên liệu cơ bản cho hầu hết các loại bánh quy, bánh ngọt, bánh mì… đã tăng đột biến 10,3% trong năm qua, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2011, dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố hôm 10/2 cho thấy.

Đó là một trong những tỉ lệ lạm phát cao nhất đối với bất kỳ loại mặt hàng thực phẩm nào ngoài thịt, trứng và dầu ăn.

Chi phí cho các loại nguyên liệu làm bánh cơ bản đang tăng cao trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp nhiều thách thức và lao động thì thiếu hụt, và lúa mì không phải là ngoại lệ.

Tuần này, trong báo cáo cung - cầu toàn cầu của mình,  Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cắt giảm ước tính về nguồn cung lúa mì thế giới, báo hiệu một số thắt chặt về nguồn cung sắp tới.

Trong khi đó, nhà phân tích Jacqueline Holland của Farm Futures cho biết, khi giá lúa mì cao hơn, người tiêu dùng bán lẻ có xu hướng cắt giảm nhu cầu về mặt hàng này.

Việc giá cả leo thang đã bắt đầu “tấn công” các tiệm bánh mì ở Mỹ. Đây thường là những khách hàng mua bột mì số lượng lớn hơn nhiều so với mức tiêu thụ trung bình của hộ gia đình.

Các sản phẩm bánh cupcake thiết kế dành riêng cho dịp Valentine. Ảnh: Pinterest

Tại tiệm bánh Baked and Wired ở Washington D.C., giá niêm yết trên sản phẩm đã tăng "ít nhất 2 lần" kể từ khi đại dịch bắt đầu, đại diện cửa hàng bánh Ryan Henson cho biết. Giờ đây, quy mô sản xuất bánh cũng bị thu hẹp do giá bột mì, cùng với sữa và trứng tăng vọt.

Trước đây tiệm bánh này mở cửa bán hàng tất cả các ngày trong tuần. Nhưng từ tháng trước, họ chỉ bán bánh với số lượng hạn chế vào các ngày thứ Bảy.

Trước đại dịch, một túi bột nặng 50 pound (gần 22,68kg) có giá 8 USD (gần 182.000 Đồng); bây giờ giá đã tăng gấp hơn đôi lên thành khoảng 17 USD (gần 386.000 Đồng).

“Thật buồn là giờ chúng tôi không thể bán số lượng bánh chúng tôi muốn như thường làm trước đây”, Henson chia sẻ.

Người Mỹ, trong mùa Valentine năm nay, cũng sẽ dè dặt hơn khi mua sôcôla – một trong những món quà truyền thống của dịp lễ này. Giá cacao tại New York gần đạt mức cao nhất trong 2 năm vào hôm 10/2 trong bối cảnh thời tiết khô hạn đã hạn chế sản lượng thu hoạch.

Minh Đức (Theo CBS News, Bloomberg)