Kinh tế vĩ mô

[Câu chuyện của tiền] Năm 2022, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

Bất động sản, chứng khoán vẫn là những kênh ưu tiên đầu tư trong năm 2022, còn các kênh khác như vàng, USD, tiết kiệm ngân hàng được xem là kênh bảo toàn vốn.

Rủi ro luôn song hành với lợi nhuận

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - cho biết, tình hình dịch bệnh đã và đang tạo ra nhiều xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh mới trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Đánh giá về kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mỗi kênh đầu tư sẽ đi kèm với rủi ro và lợi nhuận. Mặc dù vậy, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản.

“Dù đây vẫn được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu Chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận”, ông nhìn nhận.

Đối với kênh đầu tư chứng khoán, theo TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đi cùng với xu hướng thị trường chứng khoán trên toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động khá mạnh.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức tích cực, tổng vốn hoá tăng, thanh khoản thị trường tốt, giá cả hợp lý. Nói về thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm 2021, ông Lực cho rằng chứng khoán có dòng tiền rẻ khá nhiều, lãi suất thấp nên rấy kích thích nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp nhà đầu tư chưa thể biết đầu tư vào kênh nào sinh lời hiệu quả, thì họ coi chứng khoán đây là kênh đầu tư hấp dẫn trong lúc dòng tiền nhàn rỗi chưa biết làm gì. Ông đánh giá, với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được triển khai trong năm 2022 - 2023, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được đánh giá là kênh đầu tư có nhiều khả quan.

TS. Cấn Văn Lực đánh giá, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được triển khai trong năm 2022-2023, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được đánh giá là kênh đầu tư có nhiều khả quan.

Đối với lĩnh vực bất động sản, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản tốt hơn trong năm 2022. Khi kinh tế chuyển biến tích cực, điều này sẽ giúp sức cầu của thị trường bất động sản tăng trưởng theo và đây vẫn kênh đầu tư hấp dẫn.

Vị chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản năm 2022 được dự báo sẽ còn dư địa tăng giá, nhất là năm vừa qua, khi mà thời gian qua, bất chấp những tác động của dịch bệnh, nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản vẫn tăng giá.

“Tôi cho rằng, bất động sản sẽ sớm phục hồi, sau dịch bệnh, bất động sản sẽ bứt phá rất nhanh, về cơ bản lĩnh vực này rất tích cực”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, bên cạnh chứng khoán, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được số đông lựa chọn do khả năng sinh lời tốt, được pháp luật bảo vệ.

Ông Hiển cho biết, giá nhà đất tại Việt Nam tăng quá mạnh trong vòng 6 năm qua, đặc biệt là đất vùng ven. Song theo ông Hiển, hiện nay không còn nhiều vùng hoang sơ để nhà đầu tư xuống tiền, ung dung chờ 2 - 3 năm để kiếm lời gấp 3 lần.

Giá đất ở các thành phố nhỏ đã từ 30 - 40 triệu đồng/m2 và vùng ngoại ô dao động 10 triệu đồng/m2. Những nơi xa đất nông nghiệp có thể trở thành đất ở cũng 3 - 4 triệu đồng/m2.

TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được số đông lựa chọn do khả năng sinh lời tốt.

“Thị trường đã không còn những mảnh đất giá vài chục ngàn, vài trăm ngàn như trước. Do vậy cho dù là mua đầu tư lâu dài và chấp nhận mạo hiểm ở nơi xa thì nhà đầu tư cũng phải bỏ một số tiền lớn để ôm”, ông nhìn nhận.

Nhiều năm tham gia thị trường bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển nhận thấy các chuyên gia tài chính nhiều khi không thành công bằng những người mạnh dạn xuống tiền khi nắm bắt được các thông tin về quy hoạch, hạ tầng. “Mẫu số chung là các nhà đầu tư sẽ trúng lớn ở những khu vực sẽ hình thành cộng đồng dân cư đông”, ông nói.

Đầu tư vàng có còn hấp dẫn?

Trong năm qua, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới, đánh giá về kênh đầu tư này, TS. Cấn Văn Lực nói rằng, vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn mà chỉ là kênh đầu tư an toàn, đầu tư vàng 1 năm chỉ tăng từ 7 - 10% không bằng các kênh đầu tư khác.

Nói về nguyên nhân khiến giá vàng Việt Nam tăng chênh lệch so với thế giới quá cao thời gian qua, theo vị chuyên gia, do vàng Việt Nam phải nhập khẩu khâu vận chuyển chế tác tốn kém dẫn tới việc tăng giá.

Hơn nữa, do Việt Nam hạn chế các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng dẫn tới việc cung - cầu lệch pha đẩy giá lên. Cùng với đó, dịch Covid - 19 diễn biến căng thẳng trên thế giới nên dịch vụ vận chuyển bị ách tắc, trong đó có vận chuyển vàng dẫn tới việc đẩy giá vàng trong nước.

Cùng nhìn nhận về khả năng sinh lời kênh đầu tư vàng trong năm 2022, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là kênh đầu tư rất khó đoán định và không chắc chắn nhất trong số các kênh đầu tư. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này trong thời gian tới giá vàng có thể sẽ được đẩy lên, nhà đầu tư có thể thu lời từ kênh đầu tư này. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất từ trước đến nay nhưng lãi suất ở mức rất thấp, không đủ hấp dẫn với người gửi tiền.

Đối với kênh tiền gửi tiết kiệm, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đây là kênh đầu tư an toàn nhất từ trước đến nay nhưng lãi suất tiết kiệm hiện nay đang ở mức rất thấp, không đủ hấp dẫn với người gửi tiền.

“Có thể lãi suất tiết kiệm có áp lực tăng trở lại trong năm 2022 khi nền kinh tế dần phục hồi nhưng điều này sẽ không đáng kể. Vì vậy, gửi tiền lãi suất tiết kiệm cao nhất cũng chỉ lên tới 7 - 8%/năm”, ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư cũng sẽ không “kiếm ăn được” với kênh ngoại tệ, khi tỉ giá được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt. 

Đối với kênh đầu tư tài sản ảo, các chuyên gia đều đánh gia đây là kênh đầu cơ với rất nhiều rủi ro. Mặc dù không được công nhận ở Việt Nam, song kênh đầu tư tiền ảo vẫn bùng nổ. Đặc biệt, đây là kênh đầu tư không dành cho số đông mà chỉ dành cho nhóm nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, chấp nhận rủi ro lớn.

Bởi lẽ, loại tài sản này chưa được coi là tiền tệ chính thống nên không có chức năng chính của tiền tệ, mức độ biến động giá rất mạnh, trong một ngày có thể biến động đến 20 - 30%, đồng nghĩa rủi ro rất cao.

Nhìn chung, sẽ không có kênh đầu tư nào mang lại lợi nhuận chắc chắn mà sẽ biến động theo thời gian. Vì thế, đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, các vị chuyên gia đều cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ nhu cầu của bản thân trước khi quyết định vào bất cứ kênh đầu tư nào, đồng thời, cần có một kế hoạch đầy đủ và cụ thể.

Xem thêm: 

[Câu chuyện của tiền] Không lo “sốt đất”

[Câu chuyện của tiền] Cẩn thận tình trạng "say sóng ngành" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Doanh nghiệp BĐS công nghiệp bước vào “cuộc chiến” giành thị phần

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[E] “Chàng ngốc già” Nguyễn Đình Trí và câu chuyện về quản lý tài chính cá nhân