Đời sống

Cậu bé 13 tuổi nhịn ăn để giảm cân đến mức nhập viện

Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng suy dinh dưỡng, chán ăn trầm trọng, nặng 49kg và cao 1m73.

Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân là con một trong gia đình, tiền sử sản nhi phát triển bình thường.

Cách đây 1 năm, người bệnh có cân nặng khoảng 67 kg, chiều cao 1m56, khá bụ bẫm. Đi học, cậu bé hay bị bạn bè trêu là béo phì. Dần dần cậu bé ngày càng thu mình, không chơi đùa nhiều với các bạn và âm thầm tìm cách giảm cân.

Cậu bé đã tự tìm hiểu về các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội, tự tìm hiểu về dinh dưỡng và những chế độ ăn cho người cần giảm cân, tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa (HIT) với cường độ cao (khoảng 1-2 tiếng/ngày) nhằm giảm cân.

Theo phụ huynh, khi cậu bé bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng nhanh chóng, cân nặng cũng giảm đi, thân hình cân đối. Tuy nhiên, cậu bé vẫn tiếp tục duy trì việc ăn kiêng và tập luyện như trước, sau đó thân hình dần trở nên gầy gò, có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn trước.

"Đáng nói, cậu bé luôn ám ảnh mình béo phì. Khi nhìn vào gương, bệnh nhân vẫn cho rằng phần tay chân và bụng vẫn còn béo nên cắt bỏ khỏi thực đơn tất cả các loại thịt cá vì sợ béo phì, sợ béo lại bị các bạn bè chế nhạo", Ths.BS Nguyễn Phương Linh, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.

2 tháng trước thời điểm đến bệnh viện, cậu bé có chiều cao 1m73 và nặng 51kg. Thấy thể trạng con hơi gầy nên bố mẹ và mọi người xung quanh khuyên bệnh nhân nên ngừng việc ăn kiêng và luyện tập thể dục điều độ hơn nhưng nam thiếu niên này luôn có cảm giác tăng cân bất cứ lúc nào và tiếp tục ăn uống rất ít.

"Cháu gần như không ăn thịt cá, kể cả rau củ quả cũng ăn với lượng nhỏ (1 vài cọng rau trong ngày), chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng, và 1 vài thìa cơm trắng vào buổi trưa và tối. Cháu cũng lo sợ nếu không duy trì chế độ ăn và tập thể dục như cũ, cân nặng sẽ tăng lên và sẽ bị béo và khi không tập thể dục con có cảm giác đau khổ, bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người, bắt buộc phải tập luyện theo chế độ", người nhà bệnh nhi chia sẻ.

Trong thời gian này, nam thiếu niên này ít nói chuyện với mọi người, kể cả bố mẹ và bạn bè trong lớp học, giảm hứng thú với các sở thích trước đó (bóng đá, bơi lội, …), chỉ tập trung vào việc tập thể dục và ăn kiêng để giữ cân nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Linh, bệnh nhi được đưa đến khám tại bệnh viện Bạch Mai, phát hiện mạch chậm dao động trong khoảng 50 - 56 lần/phút được làm các xét nghiệm, giảm canxi máu. Người bệnh được chỉ định điều trị ngoại trú, bổ sung vi chất, cải thiện chế độ ăn uống, giảm luyện tập. Tuy nhiên khi về nhà, nam bệnh nhân vẫn ăn uống ít và tập luyện cường độ cao như trước.

Bác sĩ Linh cho biết cách vào viện 1 tuần, mạch của người bệnh chỉ dao động thường xuyên trong khoảng 36-50 nhịp/phút, cân nặng giảm còn 49kg, BMI 16,37 kg/m2 người bệnh được yêu cầu khám thêm chuyên khoa tâm thần và có chỉ định nhập viện Viện sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai.

Ths.BS Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bệnh nhân chán ăn tâm thần thường đi khám nhiều chuyên khoa trước khi đến chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân được đi khám dinh dưỡng, tiêu hóa, thậm chí tim mạch vì người luôn cảm thấy mệt mỏi.

"Khi được giới thiệu sang khoa Tâm thần khám có bệnh nhân phản ứng, mình hoàn toàn bình thường sao lại đi khám tâm thần", BS Tùng nói.

BS Tùng lưu ý, vấn đề khởi phát để nghĩ đến chán ăn tâm thần, là họ luôn ám ảnh, sợ hãi tăng cân, dù gầy gò nhưng cứ nhìn gương là ám ảnh mình béo quá mức. Bệnh nhân có nỗi sợ mãnh liệt về sự tăng cân, luôn bóp méo hình ảnh bản thân, cho rằng mình béo, dù chỉ số cân nặng ở ngưỡng báo động nhưng lúc nào cũng sợ tăng cân.

Không chỉ hạn chế ăn, hạn chế tất cả các nguồn năng lượng đưa vào cơ thể, có những người sau ăn còn móc họng để nôn hết thức ăn.

Bệnh chán ăn tâm thần ở nữ giới cao gấp 3 lần ở nam giới. Xuất hiện nhiều tuổi 13 - 18 tuổi, khi cơ thể bắt đầu có nhiều thay đổi. Những trẻ này có nguy cơ ảnh hưởng thể lực, gây ảnh hưởng học hành, thậm chí thiếu máu, loãng xương, gặp các vấn đề về tim mạch, rối loạn kinh nguyệt, gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, rối loạn điện giải...

"Bạn trẻ, nhất là nữ giới, khi luôn có các biểu hiện ám ảnh về cân nặng, nên đi khám chuyên khoa tâm thần. Như bệnh nhân này, sau 2 tháng điều trị, cậu bé đã ăn uống ngon miệng hơn, ngày ăn 6 bữa dù mới đạt 1/2 lượng yêu cầu, nhưng đã có hứng thú với ăn uống", BS Linh cho biết.

Minh Hoa (t/h)