Dân sinh

Cặp vợ chồng giữ lửa nghề dệt chiếu cói truyền thống ở xứ Nghệ

Trước đây, nghề dệt chiếu vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở xã Hưng Hoà. Tuy nhiên, giờ đây hộ gia đình theo nghề này chỉ tính trên đầu ngón tay.

Nghề dệt chiếu cói ở xã Hưng Hoà, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An ngày xưa nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng, nhiều mẫu mã. Các sản phẩm được làm từ những bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Chiếu Hưng Hoà từ chất lượng, đường nét, hoa văn,…có chất riêng nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Trước đây toàn xã có gần 900 hộ gắn bó với nghề dệt chiếu. Riêng 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận được công nhận là làng có nghề vào năm 2005.

Thời gian trước, nghề dệt chiếu vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiền thời gian gần đây, chỉ có một số gia đình theo nghề này. Nghề dệt chiếu thủ công giờ khó cạnh tranh, vì thị trường xuất hiện nhiều loại chiếu công nghiệp mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ. Nghề chiếu cói ở Hưng Hòa đang dần mai một. Hơn thế nữa, hiện nay tại xã Hưng Hòa, có nhiều dự án để phát triển TP.Vinh nên diện tích trồng cói cũng bị thu hẹp.

Gia đình ông Trần Toàn, SN 1972 và bà Trần Thị Lương, SN 1968, trú tại xóm Phong Thuận là một trong gia đình còn theo nghề dệt chiếu cói. Gia đình ông Toàn 2 cô con gái đều đã lớn, đi làm ăn xa, chỉ còn hai ông bà vẫn bám trụ với nghề dệt chiếu. Phần vì sức khoẻ yếu không đi làm nghề bốc vác nặng nhọc được, phần vì muốn gìn giữ làng nghề truyền thống của quê hương nên ông bà vẫn đam mê với nghề này.

Chiếu được dệt từ 2 nguyên liệu đó là sợ đay và sợ cói. Vì sợi đay (màu xanh) hiếm nên gia đình bà Lương phải nhờ người mua ở chợ Vinh. Nghề dệt cói được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay sau đó mới phơi khô, loại bỏ phụ phẩm; rồi đến khâu chọn cói, cói phải được phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, ngắn dài khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền, đẹp.

Mỗi chiếc chiếu m2 nhập cho thương lái 36.000 đồng. “Gia đình tôi lấy công làm lãi thôi. Hai vợ chồng vì sức khoẻ yếu không thể đi làm thuê hay đi xây được nên bám nghề. Tuy vất vả nhưng quen tay hơn. Mỗi ngày làm cật lực thì dệt được vài chiếc chiếu, thu nhập không đáng là bao. Nếu ai đặt hàng chiếu rộng m6 hoặc m8 thì phải đặt nguyên liệu từ các nơi khác về. Trừ hết các chi phí mỗi chiếc chiếu chỉ lời vài chục nghìn”, ông Toàn chia sẻ.

Theo bà Lương, muốn ra sản phẩm chiến thì phải cần 2 người cùng làm. Một người một go dệt, răng go được làm bằng gốc tre đực, già có căng sẵn những sợi đay. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt.

Khi không có khách đặt chiếu, ông Toàn đi thu hoạch cói nhập cho các thương lái. Giá mỗi bó cói cũng được khoảng 50.000 đồng - 70.000 đồng tùy theo cân nặng. Cói sau khi được chẻ, sẽ đem phơi ít nhất 2 nắng ngoài ruộng để cho nhẹ và mềm sợi. Sau đó, cói được cột thành từng bó để đưa về nhà tiếp tục phân loại, phơi khô một lần nữa trước khi nhập cho thương lái.

Nghề dệt chiếu thủ công hiện khó cạnh tranh trên thị trường với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ. Hơn thế nữa, một phần diện tích trồng cói ở xã Hưng Hoà đã bị chuyển đổi sang nuôi tôm, một phần đất trồng cói dành cho dự án,…Thiếu nguyên liệu người làm chiếu đành xếp khung dệt vào góc nhà...chuyển đổi sang nghề khác. Trên địa bàn xã Hưng Hoà chỉ còn một vài hộ theo nghề dệt cói, kiểu ai đặt hàng thì làm. Vì vậy nghề truyền thống này cũng đang mai một dần. 

Hà Hằng - Minh Tâm