Môi trường

Cấp phép sai chủ trương cho cơ sở giết mổ bị "tố" xả thải gây ô nhiễm môi trường?

Dù không nằm trong quy hoạch của tỉnh Bình Dương, tuy nhiên, phòng Kinh tế thị xã Thuận An vẫn tham mưu lãnh đạo ký quyết định cho phép cơ sở giết mổ gia cầm Bồ Văn Khuya được phép giết mổ thêm gia súc (cụ thể là dê). Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo phòng Kinh tế cho rằng, giải quyết nhu cầu và tạo điều kiện cho người dân làm trước, rồi xin chủ trương sau.

Xem xét thu hồi giấy phép

Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin có bài phản ánh "Đột kích cơ sở giết mổ bị "tố" xả thải gây ô nhiễm môi trường". Ngày 5/9, PV tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An và ông Nguyễn Thành Uý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) về vấn đề này.

Ông Tâm cho biết, sẽ rà soát và có phương án xử lý, kể cả rút giấy phép nếu cần. Bởi, theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương, trên địa bàn phường Bình Chuẩn chỉ được cấp phép cho một cơ sở giết mổ gia cầm.

"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch cơ sở giết mổ gia cầm này có đúng hay không? Nếu không hợp lý thì sẽ thu hồi giấy phép và tìm địa điểm khác thích hợp. Mặc dù quy hoạch là vậy, nhưng không nhất thiết phải bố trí tại địa điểm của ông Bồ Văn Khuya, nếu như nó ảnh hưởng đến môi trường”, ông Tâm khẳng định.

Theo quy định hiện hành (Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp) thì cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải cách xa khu dân cư, sông, suối, trường học, quốc lộ…

Tuy nhiên đối chiếu với những điều này, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm Bồ Văn Khuya (tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) hoàn toàn không đáp ứng.

Bởi, ngay sát bên cạnh khu đất làm cơ sở giết mổ hơn nghìn mét vuông của hộ ông Bồ Văn Khuya là một con suối.

Tại thời điểm mà PV có mặt, nước thải được xả trực tiếp vào con suối này. Thêm vào đó, xung quanh khu vực này là người dân sinh sống, cách đó không xa là đường Mỹ Phước - Tân Vạn chạy ngang qua.

Nước thải không qua xử lý từ cơ sở này chảy ra con suối ở phía sau.

Như vậy, đối chiếu với các quy định hiện hành, cùng với cơ sở vật chất được đầu tư tạm bợ, không hiểu vì sao cơ sở này lại được cấp phép hoạt động?

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Uý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Thuận An đáp ngắn gọn:  “Tôi không trả lời câu hỏi này”.

Bể chứa, xử lý nước thải của cơ sở này "tê liệt".

"Tiền trảm hậu tấu"

Theo tìm hiểu của PV, việc UBND thị xã Thuận An, cụ thể là ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND thị xã ký quyết định cho phép hộ ông Bồ Văn Khuya được phép giết mổ gia súc là sai, đi ngược lại chủ trương của UBND tỉnh.

Bởi, theo “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh Bình Dương, không hề cho phép giết mổ gia súc trên địa bàn phường Bình Chuẩn.

Văn bản chấp thuận cho hộ ông Bồ Văn Khuya được phép giết mổ thêm dê, dù sai với chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương.

Theo Quy hoạch nêu trên, địa bàn thị xã Thuận An chỉ có 3 cơ sở giết mổ, gồm: 1 cơ sở giết mổ gia súc (heo) ở phường Bình Hoà (200 con/ngày) và 1 cơ sở (cũng giết mổ heo) tại phường An Thạnh (100 con/ngày) và 1 cơ sở giết mổ gia cầm tại phường Bình Chuẩn, chính là hộ ông Bồ Văn Khuya.

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà phòng Kinh tế vẫn tham mưu và ông Sử vẫn ký cho phép hộ này được phép giết mổ thêm gia súc? Đặc biệt, việc giết mổ dê cũng ở chung, sát ngay cạnh các lò giết mổ gia cầm, không hề có cách ly, tách biệt nào.

Về vấn đề này, đặc biệt là việc lãnh đạo UBND thị xã ký quyết định sai với quy hoạch của tỉnh, ông Tâm cho biết: “Sẽ kiểm điểm trách nhiệm hành chính đối với những đơn vị, cá nhân liên quan”.

Cơ sở vật chất được đầu tư tạm bợ của cơ sở giết mổ gia cầm.

Được biết, Quyết định số 438 (bổ sung) cho phép giết mổ gia súc (dê) từ ngày 22/2/2019 là do sự tham mưu của phòng Kinh tế UBND thị xã Thuận An và người ký tên là ông Sử.

Trước đó, khi PV  liên lạc để làm việc với UBND thị xã Thuận An, ông Tâm đề nghị PV liên lạc với ông Sử để được trả lời và cung cấp các thông tin. Tuy nhiên, khi PV liên lạc với ông Sử (qua số điện thoại do ông Tâm cung cấp) thì ngay lập tức ông này cho biết “nhầm số”.

Dù ngày 1/6/2018 cơ sở này bị xử phạt nhưng sau đó vẫn được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, ông Uý giải thích rằng: “Sở dĩ tham mưu ban hành quyết định cho cơ sở này giết mổ thêm dê là do nhu cầu, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh?”.

Trả lời về việc dù không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn cấp phép cho cơ sở giết mổ thêm gia súc hoạt động, ông Uý biện minh rằng: “Giờ phải tạo điều kiện cho họ làm trước, sau đó mới xin chủ trương của tỉnh?”.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.