Sức khỏe

Cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân có khối u to trong tim với nguy cơ đột tử rất cao

Sau hơn 2 giờ, khối u to như trứng vịt, có kích thước 30x50mm, cực trên khối u bở, dọa vỡ đã được ê-kíp phẫu thuật lấy ra thành công… Hiện tại, bệnh nhân đang hồi phục tốt, đã tự đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường.

Báo Công an TP. HCM đưa tin, sáng 19/6, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết vừa tiến hành phẫu thuật tim cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân có khối u to trong tim với nguy cơ đột tử rất cao.

Bệnh nhân Phan Thị Tho (62 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) thấy mệt, khó thở và nặng ngực cả tháng nay, nhất là về đêm. Ngày 12/6, bệnh nhân ngất khi thay đổi tư thế. Người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.

Khối u nhầy to bằng quả trứng nằm trong tim của bà Tho được lấy ra.

Siêu âm tim cấp cứu cho kết quả có khối u to ở buồng nhĩ trái. Khối u rất di động gây lấp lỗ van hai lá. Cực trên của khối u có dấu hiệu dọa vỡ với nguy cơ đột tử rất cao.

Theo báo Tiền phong, sau khi được điều trị nội khoa tích cực và thực hiện các đánh giá cần thiết, hội chẩn hội đồng chuyên môn tim mạch của bệnh viện kết luận, chỉ định phẫu thuật tim cấp cứu cho bà Tho vì nguy cơ đột tử do khối u lấp hoàn toàn van hai lá; nguy cơ lấp mạch cơ quan ngoại vi do khối u vỡ.

Sau hơn 2 giờ, khối u to như trứng vịt, có kích thước 30x50mm, cực trên khối u bở, dọa vỡ đã được ekip phẫu thuật lấy ra thành công. Đồng thời, tái tạo vách liên nhĩ bằng màng tim; sửa van ba lá Devega cho bệnh nhân.

Hiện tại, bà Tho đang hồi phục tốt, đã tự đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường, không còn ngất và được cho ra viện trong chiều nay.

Theo báo Công an Nhân dân, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, u nhầy là u thường gặp nhất trong các u nguyên phát của tim, thường là u lành tính. Tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân cư nói chung rất ít từ 0,3 – 0,5/1.000 dân. U nhầy gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 30 – 50, hiếm gặp ở trẻ em và người già.

“Phẫu thuật tim là phẫu thuật chuyên sâu chỉ được thực hiện ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và trung tâm tim mạch lớn. Đặc biệt, phẫu thuật tim cấp cứu đòi hỏi sự phát triển, phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa. Sự thành công của ca mổ này là kết quả phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa liên quan. Đây cũng là thế mạnh của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ”, BS Phong cho hay.

Quốc Tiệp (t/h)