Sự kiện

"Cấp cứu" cho xe buýt sạch TP.HCM trước nguy cơ "đột tử"

Trước tình hình nguồn cung cấp khí CNG cho hệ thống xe buýt đang hoạt động có khả năng bị cắt giảm, sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã vào cuộc để đảm bảo hoạt động vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Chiều 13/6, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết: “Nhằm đảm bảo cung cấp gas cho xe buýt CNG hoạt động, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Tổng công ty Khí Việt Nam chỉ đạo công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam hỗ trợ, không tiết giảm lượng khí CNG cung cấp cho xe buýt hoạt động trong năm 2019”.

Theo đó, sở GTVT TP.HCM đề nghị Tổng công ty Khí Việt Nam xem xét, báo cáo tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và bộ Công Thương, nhằm chấp thuận dành một lượng khí CNG ổn định để phục vụ ưu tiên cho xe buýt, với giá tương đương dành cho sản xuất điện.

Đề nghị này nhằm giúp đảm bảo nguồn cung nhiên liệu được ổn định, lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển giao thông xanh góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với tình hình phát triển của TP.HCM.

Nếu nguồn nguyên liệu sạch bị cắt giảm đột ngột, hoạt động xe buýt tại TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam chi nhánh Đồng Nai (đơn vị đang trực tiếp cung cấp khí CNG cho hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM) đã gửi công văn cho biết, đơn vị này sẽ điều chỉnh sản lượng CNG để ưu tiên cấp khí cho ngành điện và sẽ giảm 20%-30% lượng CNG tiêu thụ trong các tháng còn lại của năm 2019.

Theo nhận định của đại diện sở GTVT TP.HCM và các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, việc dự kiến giảm cung cấp khí CNG sẽ làm rối loạn hoạt động xe buýt của TP.HCM. Được biết, lượng khí CNG sử dụng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của TP.HCM dao động từ 13 - 15 triệu m³/năm.

Ngoài chi phí nhiên liệu thấp, xe buýt nhiên liệu sạch (xe buýt CNG) còn được đánh giá là thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm hơn so với sử dụng dầu diesel. Do vậy, trong vài năm qua, chính quyền TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đầu tư mới, thay thế xe buýt cũ bằng xe buýt CNG.

Hiện nay, TP.HCM có 2.457 phương tiện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó có 428 xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá.

Số lượng xe còn lại đang đầu tư theo đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017 là 495 xe. Toàn địa bàn thành phố đang có 4 trạm nạp nhiên liệu gồm: bãi xe buýt Phổ Quang, bến xe Đại học Quốc gia, bến xe An Sương và trạm Tân Kiên.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM nhận định: “Để giải quyết vấn đề nhiên liệu, Trung tâm đã xác định 11 vị trí để xây dựng các trạm mới. Cùng với đó là nâng cấp, di dời 4 trạm đang hoạt động. Các vị trí này đã được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM xác định bảo đảm các yêu cầu về vị trí, khoảng cách và giải pháp ngăn cháy theo quy định”.