Sự kiện

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Đổi chủ đầu tư để "giải cứu" dự án giao thông trọng điểm miền Tây

Sau khi có những thay đổi về nhà đầu tư, cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin vào chiều 20/4, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đèo Cả khẳng định: “Với kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án lớn như hầm đèo Cả, đèo Cù Mông, hầm Hải Vân, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn... chúng tôi đang quyết tâm sẽ hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đúng tiến độ, như chỉ đạo của Chính phủ và mong đợi của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Công trường thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hà Nhân).

Sau 5 năm đình trệ, mới đây bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đồng ý để tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Để góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, Thường trực Chính phủ đã họp, và có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, từ bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung. Toàn tuyến đi qua trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Dự án được khởi công lần đầu từ tháng 11/2009, sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7/2/2015, dự án được tái khởi động bởi liên danh các Nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - công ty CPĐT cầu đường CII. Nhưng những khó khăn về nguồn vốn, năng lực nhà đầu tư... đã khiến dự án kéo dài 2 năm qua mà không có những tín hiệu nào tích cực, tiến độ đến nay chỉ mới đạt 16%.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2021.

Trước đó, tại cuộc làm việc chiều 19/4, bộ GTVT, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã cùng thể hiện quyết tâm cho mục đích chung, hoàn thành dự án, thông tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Dự án này được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Còn có nhiều vướng mắc nhưng chúng ta phải vượt qua để hoàn thành. Bộ trưởng cam kết sẽ phối hợp cao độ, chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang để triển khai việc chuyển giao này”.

Về kinh phí 2.186 tỷ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ trưởng cho biết: “Tôi đã ký văn bản đề nghị bộ, ngành bố trí nguồn vốn này và sẽ đốc thúc Chính phủ sớm rót nguồn hỗ trợ cho dự án”.

Trình bày về những phần việc mình đã làm, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết về phần giải phóng mặt bằng đã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng. Chỉ còn 590m chưa bàn giao và tỉnh cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cho biết đã thành lập chỉ đạo, thành lập tổ chuyên môn để thực hiện công tác quản lý dự án; tổ chức các cuộc họp liên tục để triển khai các công việc, phân công cho từng thành viên lập các nhóm công tác. Tỉnh cũng đã làm việc với doanh nghiệp dự án đi thực địa và cùng doanh nghiệp khảo sát các tuyến đường công vụ, hệ thống tập kết vật tư, vật liệu cũng như sớm hoàn thành đơn giá vật liệu hợp lý, hợp pháp.