Sức khỏe

Cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết: Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân

Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp, vì vậy bộ Y tế đã có khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân.  

Theo báo cáo ngày 4/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Philippin đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố.

Trong thời gian qua, bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế tại các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho chính quyền tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động như truyền thông phòng chống dịch; giám sát dịch tễ chủ động, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao; dự báo, đánh giá nguy cơ dịch bệnh để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết (Ảnh minh hoạ).

Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến gia tăng trong đầu mùa dịch, ngày 19/7/2019 bộ Y tế tổ chức “Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019” tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, với sự tham dự của các đơn vị kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, truyền thông của các tỉnh thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên và Hà Nội, đại diện cơ quan y tế của các bộ, ban ngành, đại diện các cơ quan báo đài.

Hội nghị tập trung bàn một số giải pháp cơ bản: Tổ chức các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ với nhiều hình thức, hướng dẫn người dân, các hộ gia đình tăng cường các biện pháp phòng chống dịch chủ động.

Tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy quy mô lớn tại tất cả các tỉnh thành phố ngay từ tháng 7 đến cuối năm. Đảm bảo duy trì các hoạt động hàng tuần tại các vùng dịch lưu hành. 

Phân loại, phân luồng bệnh nhân tốt, đảm bảo điều trị tại tuyến dưới các trường hợp nhẹ không chuyển tuyến để tránh quá tải.

Tăng cường vai trò đứng đầu của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống dịch, huy động các ban ngành đoàn thể và mọi người tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch. Xác định trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Và các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong khác.

Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống. Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: 

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.