Sự kiện

Cảnh tượng tan hoang sau khi bão số 9 càn quét

Hiện bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nên nhiều địa phương xuất hiện mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập nặng. Cảnh tượng tan hoang sau cơn bão số 9 được phóng viên ghi nhận.

Trưa 25/11, bão số 9 bắt đầu đổ vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sức gió giật mạnh cấp 8, 9. Trong thời gian đổ bộ, cơn bão đã đã "quần thảo" nhiều giờ đồng hồ khiến người dân trên địa bàn tỉnh lo lắng, sợ hãi.

Nhiều cây xanh gãy đổ do mưa bão.

Ghi nhận thực tế, bão đổ bộ vào đất liền, "quần thảo" khoảng hơn 2 giờ đồng hồ khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường lớn của tỉnh BR-VT bị đổ, ngã. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm cũng bị bật gốc, ngã đổ. Nghiêm trọng hơn, một số trụ điện tại tỉnh BR-VT bị gãy đổ, ngổn ngang trên đường,…

Phương tiện di chuyển khó khăn.

Theo nhiều người dân nhận định, đây là cơn bão lớn và gần giống như cơn bão đã đổ vào tỉnh này từ năm 2006. “Gió mạnh, mưa lớn, sóng biển dâng cao hơn 3m. Mọi thứ thật đáng sợ. Một chiếc thuyền đang neo đậu ở bãi trước TP.Vũng Tàu đã bị “nuốt chửng” chìm nghỉm”, bà Tư, người dân TP.Vũng Tàu chia sẻ.

Trụ điện gãy đổ ngổn ngang trên phố.

Do ảnh hưởng của bão và áp thấp, hiện tại, nhiều chợ lớn nhỏ ở các tỉnh phía Nam đều ngưng họp chợ, trường học cũng cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Khi bão "tan", ngành chức năng đã ra quân phối hợp cùng người dân cùng nhau khắc phục sự cố sau bão.

Hiện, nhiều tuyến đường đã được dọn dẹp thông thoáng. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài nên việc khắc phục sự cố cũng gặp nhiều khó khăn.

Mưa lớn gây ngập nặng nhiều tuyến đường.

Sau khi đổ bộ vào tỉnh BR-VT, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên các tỉnh BR-VT, Đồng Nai, TP.HCM và nhiều tỉnh ở miền Tây xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.

Hiện, nhiều tuyến đường đã bị ngập, các ngành chức năng vẫn cảnh báo người dân nên hạn chế ra đường đồng thời vẫn phải cẩn thận. 

Cây cổ thụ cũng bị gió bão quật ngã.

Trưa 25/11, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 13h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 01h ngày 26/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động. Sóng trên biển cao từ 2-4m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.