Tài chính - Ngân hàng

Cảnh giác mất tiền vì dùng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Thời gian gần đây, nắm bắt nhu cầu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng của người dùng thẻ, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng tiếp cận rồi chiếm đoạt tiền.

Rủi ro từ dịch vụ hỗ trợ rút tiền từ thẻ tín dụng

Nắm bắt nhu cầu của người sử dụng thẻ tín dụng rất cần rút tiền mặt từ thẻ như một khoản vay, ngay cả các nhân viên thực hiện dịch vụ mở thẻ tín dụng cho khách hàng cũng ngang nhiên quảng cáo dịch vụ hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và thậm chí là đáo nợ thẻ tín dụng khi đến thời hạn.

Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, Facebook, Zalo.

Anh Trần Văn Trường Hoàng, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, vừa đăng ký mở thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại ở Tp.HCM.

Sau đó, có rất nhiều số điện thoại gọi đến xưng là nhân viên ngân hàng và  đã rất “nhiệt tình” quảng cáo dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ thông qua hình thức mua hàng “khống”, khách chỉ mất phí 2-2,5% số tiền rút, có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày.

Muốn rút tiền mặt, thì mức phí phải trả là 1,5%; nếu là thẻ tín dụng nước ngoài thì mức phí là 2,2%. Hạn mức được rút là toàn bộ số tiền có trong thẻ và khách hàng có thể được chuyển qua trả góp hàng tháng với nhiều kỳ hạn khác nhau.

Vì cần tiền, anh Hoàng đã nhờ rút khoản tiền 20 triệu đồng trong thẻ và đã được làm thủ tục dưới hình thức mua hàng qua một ví điện tử. Tuy nhiên, số tiền thực tế bị trừ trong thẻ lên đến gần 25 triệu.

Thắc mắc hỏi lại nhân viên tư vấn dịch vụ, anh được giải thích, bên cạnh phí thì có khoản tiền ban đầu "giữ chân" để xác nhận cho dịch vụ trả góp.

Số tiền này khi anh trả góp xong sẽ được hoàn lại đầy đủ trong thẻ. Tuy nhiên, khi hỏi lên tổng đài tư vấn của ngân hàng nơi phát hành thẻ, anh mới biết là không có quy định nào như vậy.

Mạo danh ngân hàng, gọi điện và liên hệ với người dùng qua ứng dụng chat. 

Tương tự, chị D.T.K.M.A, ngụ quận 7, Tp.HCM kể, do cần tiền mặt, chị được bạn bè giới thiệu một phụ nữ tên Hằng. Hằng tự nhận là nhân viên ngân hàng có thể giúp chị M.A rút tiền thẻ tín dụng bằng hình thức online.

Chị M.A kể: “Hằng nói phí rút tiền thẻ là 0 đồng (trong khi các điểm dịch vụ thu phí 2,2%/giao dịch) nhưng nếu rút 5 triệu đồng thì Hằng sẽ giữ lại 1,2 triệu đồng. Khi người rút trả đủ số tiền đã rút từ thẻ tín dụng, Hằng sẽ hoàn lại 1,2 triệu đồng này”.

Sau khi giúp chị M.A rút 20 triệu đồng, Hằng giữ lại 4,8 triệu đồng. Nhưng khi chị M.A trả đủ số tiền đã rút trong thẻ thì không thể liên lạc với Hằng được. Lúc này, các đồng nghiệp của chị M.A mới biết, Hằng chỉ hoàn tiền trong lần đầu để tạo niềm tin, các lần rút sau thì chiếm đoạt tiền phí.

Có tình trạng mạo danh nhân viên ngân hàng

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MBBank) cho biết, gần đây ngân hàng thường xuyên tiếp nhận phản ánh của khách hàng về việc trót nghe theo quảng cáo, nhờ dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng online rồi bị chiếm giữ số tiền lớn. Có khách hàng rút 110 triệu đồng, bị chiếm giữ 23 triệu đồng.

Theo các nạn nhân, khoản tiền được gọi “lãi suất trả góp” là do các đối tượng tự dựng lên để lừa những khách lần đầu sử dụng thẻ tín dụng hoặc chưa có nhiều kiến thức trong việc sử dụng thẻ.

Khi quẹt thẻ thanh toán hàng hóa qua máy POS, qua các trang thương mại điện tử, khách đều có thể dễ dàng chuyển đổi qua hình thức trả góp theo 6, 12 hoặc 24 tháng bằng cách thông báo với ngân hàng qua số tổng đài, thông báo với điểm bán hàng hoặc qua ứng dụng (app) của ngân hàng.

Một số ngân hàng được chuyển đổi tiền trong thẻ sang hình thức trả góp với lãi suất 0%, phí chuyển đổi từ 1 - 3%. Một số ngân hàng thì tính lãi suất trả góp từ 21 - 36%/năm; lãi suất trả góp, tiền gốc sẽ được ngân hàng tính rồi gửi thông báo về địa chỉ email cho khách hàng.

Với trường hợp khách quẹt thẻ qua máy POS nhưng không mua hàng hóa (dịch vụ quẹt thẻ, rút tiền mặt chui), khách thường chịu phí rút tiền từ 2 - 2,2%/giao dịch (ví dụ rút 100 triệu đồng thì phí rút là 2-2,2 triệu đồng), sau đó, có thể trả góp qua ứng dụng. Lợi dụng điều này, các điểm dịch vụ trên đã chiếm đoạt tiền của khách.

Đại diện MBBank cho hay, thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng rồi mời chào rút tiền thẻ tín dụng online hoặc mời quẹt thẻ qua máy POS để rút tiền mặt xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là gần Tết.

Để rút tiền mặt, khách phải cung cấp thông tin thẻ, mã bảo mật thẻ (CVV). Điều này sẽ giúp kẻ xấu chiếm đoạt số tiền trên thẻ qua các giao dịch mua sắm online, ví điện tử…

Do đó, nếu nhận được cuộc gọi mời ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng, khách nên từ chối bởi MBBank không có dịch vụ ứng tiền mặt tại máy POS hay bất cứ kênh nào khác ngoài giao dịch rút tiền ở ATM.

Đại diện Techcombank cũng xác nhận, ngân hàng này không có dịch vụ mời chào rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, cũng không hợp tác với bất kỳ tổ chức tài chính, tín dụng nào để chuyển đổi hạn mức tín dụng sang rút tiền mặt trả góp.

Techcombank cũng không yêu cầu khách cung cấp thông tin về thẻ tín dụng, mật khẩu tài khoản, mã OTP (mật khẩu một lần).

Tháng 12/2022, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) liên tục ghi nhận phản ánh từ người dân về việc nhận được cuộc gọi, tin nhắn giả mạo các ngân hàng với nội dung “hỗ trợ rút tiền qua thẻ tín dụng với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp”.

Theo trung tâm này, khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn như trên, người dân cần ghi âm, lưu tin nhắn để phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông, trình báo với cơ quan công an.