Sự kiện

Canh cánh những nỗi niềm ngày Tết

"Chạy"... Tết! Nghe qua có vẻ hài hước, nhưng ẩn sau đó là cả nỗi niềm với những người công nhân xa xứ.

TP Đà Nẵng phồn hoa, càng thêm hối hả tất bật những ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuyến đường Bạch Đằng, 2/9,... cho đến công viên, quảng trường đều đã khoác lên mình tấm áo hoa Xuân, đèn nháy rực rỡ. Người ta đã thấy Tết về!

Nhưng vẫn còn đó bộ phận công nhân xa xứ đang bươn chải kiếm sống nơi mảnh đất này thấp thỏm, nặng trĩu khi cái Tết cận kề. 

Lật từng trang lịch, đếm ngược thời gian từng ngày đến Tết, chị Phan Thị Mai (26 tuổi) quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam chẳng còn niềm háo hức sắm sang đón Tết. 

Công nhân lao động xa xứ ở Đà thành làm đủ thứ nghề để lo cho cuộc sống, gửi về quê nhà. Mỗi dịp lễ tết, lòng họ nặng trĩu âu lo.

Chị kể, trước đây chị làm công nhân ở Sài Gòn, lương cũng tạm đủ sống. Nhưng năm 2018, mẹ chị đỗ bệnh, đau nhức do vết thương hồi chiến tranh. Nhà chỉ có 2 mụn con gái, chị gái thì lấy chồng xa nên chị Mai đành khăn gói về TP Đà Nẵng làm công nhân, tiện chăm mẹ già. 

"Mình cùng 3 bạn nữ công nhân cùng thuê căn phòng trọ rộng chừng 8m2, mái lợp tôn, trần nhựa. Trong phòng vừa đủ đặt chiếc gường mét tư, cái bàn nhỏ và ít xoong nồi, bát đĩa. Nói chung là còn thua sinh viên...", chị Mai nhoẻn miệng nói.

Nhờ có "vốn" làm công nhân ở Sài Gòn nên dù mới ra TP Đà Nẵng, chị Mai cũng có được mức lương được xem là kha khá so với bộ phận công nhân còn lại. Mỗi tháng chị được hơn 4 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, chị Mai cùng hai người bạn thuê chung phòng trọ giá 600.000 đồng/tháng ở quận Liên Chiểu cho đỡ tốn, cộng tiền điện, tiền nước vào là 800.000.

"Mình đi làm cả ngày, tối về chủ yếu là ngủ thôi, thuê ở chung thế này còn tiết kiệm được chút ít, dành tiền lâu lâu về nhà cho mẹ mua sắm, thuốc thang. Công ty thì càng ngày càng khó khăn, nợ lượng nhiều, không có tăng ca, tăng giờ, thu nhập giảm hẳn. Nhiều người tính bỏ việc, nhưng đi đâu cũng thấy khó xin, nên đành cố bám nuôi thân...", chị Mai thở dài kể tiếp.

Phòng trọ nhỏ của chị Trần Minh Vy (29 tuổi) công nhân tại khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà, những ngày cuối năm buồn chẳng tả nỗi. Chị kể rằng, cuối năm nhìn người ta vui vầy, sắm Tết cùng nhau còn chị thui thủi một mình.

Mỗi ngày, TP Đà Nẵng phải xử lý hơn 950 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác thời gian cận Tết cao gấp 4 đến 5 lần, đạt ngưỡng 5.000 tấn/ngày; chưa kể ý thức bỏ rác ngày Tết của người dân là rất kém... Các công nhân ngành môi trường rất vất vả.

"Vợ chồng mình làm ở TP Đà Nẵng, còn đứa con trai thì ở Lào Cai với bà nội. Phải tận 30 Tết mình mới về. Cả một năm trời xa con, nhớ con...", chị Vy nghẹn ngào.

Tổng thu nhập hằng tháng của chị Vy và chồng khoảng gần 9 triệu đồng. Số tiền này, chị dè sẻn chi tiêu để gửi 2,5 triệu đồng về cho bà nội nuôi cháu. Cả năm trời, vợ chồng chị dôi ra được gần chục triệu đồng. "Cộng thêm thưởng Tết 2 vợ chồng chắc độ gần 20 chục triệu. Số tiền này mình vừa phải lo tàu xe đi về, vừa là tiền sắm Tết, tiền lo cho con cái... Chẳng đủ nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Chắc sang năm phải cố gắng ăn xài tiết kiệm hơn", chị Vy lắc đầu nói.

Lương thấp, các khoản thưởng cũng giảm, ít tăng ca, tăng giờ, rảnh rang hơn nhưng thu nhập lại giảm đi trông thấy... là chuyện lo lắng từng ngày của hầu hết công nhân ở TP Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Văn Lâm, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị kể với chúng tôi rằng, anh vào TP Đà Nẵng làm cũng gần chục năm, trước là thợ điện cho một công ty vật liệu xây dựng ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Năm 2017, anh "nhảy" sang ở nhà máy sản xuất tấm lợp xi măng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam với thu nhập gần 5 triệu/tháng. Từ giữa năm 2018 trở đi, công việc khó khăn nên anh lại khăn gói về làm cho một nhà máy giấy ở khu công nghiệp Hòa Khánh.

"Năm nay, tôi được nghỉ sớm, nhưng lương thưởng chẳng được bao. Chắc năm sau ở lại luôn quê, bám với ruộng với ít cây cao su...", anh Lâm thở dài.

Lãnh đạo liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho hay, đơn vị vừa tổ chức chương trình “Chuyến xe công đoàn” đưa 2.000 đoàn viên, công nhân, lao động về sum vầy cùng gia đình, người thân. Mỗi đoàn viên trên “chuyến xe công đoàn” còn được nhận 1 cặp bánh chưng, hỗ trợ tiền ăn trưa (50.000 đồng/người) và nước uống trên đường đi.

Theo thống kê của sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, tiền thưởng Tết của các doanh nghiệp ở địa phương này chênh lệch rất cao. Mức cao nhất hơn 411 thuộc về nhóm doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp; trong khi đó vẫn còn rất nhiều người lao động chỉ được nhận từ một trăm đến vài trăm ngàn đồng trong dịp Tết này.