Đời sống

Cảnh báo thứ làm nhiều người mắc ung thư phổi dù không hề hút thuốc

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối nguy tiềm ẩn của những hạt nhỏ thải ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra đột biến DNA có thể hiện diện mà không gây ung thư. Ngược lại, hầu hết các chất gây ung thư trong môi trường không gây ra đột biến.

Nghiên cứu mới đề xuất mô hình khác. Trong đó, nhóm chuyên gia tại Viện Francis Crick và Đại học College London đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 460.000 người ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.

Họ phát hiện ra việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm PM2.5 cực nhỏ-có kích thước nhỏ hơn 2,5 micron, thường xuất hiện trong khói xe và các loại khói do nhiên liệu hóa thạch khác- khiến nguy cơ đột biến gene EGFR tăng cao.

Ở các thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu chỉ ra hạt gây ra thay đổi trong gene EGFR và một gene khác là KRAS có thể gây ung thư phổi.

Cuối cùng, họ phân tích gần 250 mẫu mô phổi của người chưa từng tiếp xúc với chất gây ung thư trong thuốc lá hoặc khói bụi ô nhiễm. Các mẫu phổi đều khỏe mạnh, song họ tìm thấy đột biến DNA trong 18% gene EGFR và 33% gen KRAS. 

Các đột biến này tăng lên theo tuổi tác, tuy nhiên khi một tế bào tiếp xúc với ô nhiễm, nó có thể kích hoạt "phản ứng chữa lành vết thương" gây ra viêm nhiễm. Nếu tế bào đó "chứa một đột biến, nó sẽ hình thành ung thư", Tiến sĩ Swanton nói.

Hiện nay dù khả năng gây ung thư của thuốc lá vẫn cao hơn ô nhiễm không khí nhưng số người phải tiếp xúc với ô nhiễm ngày càng cao, do đó tỉ lệ người bị ung thư phổi vì ô nhiễm có thể sẽ ngày một “lấn sân” nguyên nhân truyền thống kia, gây nên hệ quả toàn cầu khủng khiếp.

Nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh sức tàn phá tổng thể của nhiên liệu hóa thạch lên con người - cũng là thứ gây biến đổi khí hậu và khiến môi trường sống ngày càng khắc nghiệt.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, VnExpress)