Kinh tế vĩ mô

Cảnh báo nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu

Bất cứ sự đứt gãy nào đều sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân.

Doanh nghiệp, người dân đều bị tổn hại

Trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tại Cần Thơ với khoảng 150.000 lao động, đến nay có 9.800 đơn vị ngưng hoạt động, do ảnh hưởng Covid-19.

"Trong đó, Tp. Cần Thơ có 1.090 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì 1.018 đơn vị tạm đóng cửa, chiếm 93,39%; gần 70.000 lao động phải tạm nghỉ", theo Sở Công thương TP Cần Thơ.

Bất kỳ sự đứt gãy nào cũng sẽ khiến chuỗi sản xuất và hoạt động xuất khẩu rơi vào tình trạng báo động đỏ, người chịu thiệt hại không chỉ là doanh nghiệp mà còn là người dân. Điều quan trọng là thành phố phải tính toán có giải pháp hài hòa doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Việc duy trì sản xuất để giữ đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh thiếu hụt lao động là thách thức lớn với doanh nghiệp. (Ảnh Thanh Niên)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc công ty Vina T&T (Tp.HCM) cho biết, các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch nông sản. Tuân theo chỉ thị 16 phòng chống dịch, lực lượng lao động sản xuất bị siết giảm 40-50% ảnh hưởng đến sản lượng. Công ty Vina T&T dù tự chủ được lực lượng lao động nhưng thời gian làm việc bị rút ngắn nên năng suất giảm mạnh, không kịp tiêu thụ hết trái cây tươi cho nông dân.

Ngoài ra, câu chuyện vận chuyển nông sản trong giai đoạn này là bài toán khó bởi mỗi địa phương lại áp dụng 1 quy định phòng chống dịch khách nhau, cộng thêm việc phải tìm đơn vị vận chuyển khiến nhiều việc chế biến nông sản phải tạm ngưng.

"Doanh nghiệp giờ còn cố gắng duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" nhưng cũng phải đối diện rất nhiều nỗi lo như không vận chuyển được hàng hóa, lo địa phương có ca nhiễm, phong tỏa thì mất nguồn nguyên liệu, lo cảng mà phong tỏa xuất khẩu đóng băng. Nhưng dù thế nào  cũng phải cố vì ngưng sản xuất là tất cả công nhân thất nghiệp, khốn đốn ngay", ông Tùng chia sẻ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM nói rằng, nhiều ngày nay, việc thu mua, vận chuyển nông sản từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh về thành phố bị ách tắc. Một số công ty thực phẩm chỉ có thể sử dụng 50-60% lực lượng lao động dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa.  

Tại Đồng Nai hiện có trên 1.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp chỉ duy trì được khoảng 1/3 số lượng lao động ở lại làm việc. Các doanh nghiệp giày da, may mặc có hàng chục ngàn công nhân lại rất khó đáp ứng "3T". Việc giãn cách xã hội và ảnh hưởng của dịch tác động xấu đến kế hoạch sản xuất hàng hóa.

Giải pháp và những kiến nghị

Qua ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND Tp.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành một số nội dung để duy trì sản xuất hàng hóa. Trong đó, thành phố kiến nghị tạm thời cho phép doanh nghiệp thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ mà chất lượng không đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, thành phố kiến nghị hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm để thu mua, tăng dự trữ nguyên phụ liệu sản xuất; miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn,…hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho công nhân.

Theo khảo sát nhanh với 100 doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, tăng trưởng nhưng do ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4, họ chịu những "cú đấm thép", trong đó, 42% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 54% khó tiếp cận thị trường.

Trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu chịu đòn giáng mạnh, đứng trước nguy cơ đứt gãy khi biến thể Covid-19 mới hoành hành tại châu Á.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, châu Á là nguồn gốc của 42% lượng hàng hóa xuất khẩu trên toàn cầu. Tình trạng lây lan hiện tại đang có nguy cơ khiến các lô hàng vận chuyển gặp gián đoạn trong bối cảnh mùa mua sắm cao điểm đang đến gần, nhất là trong quý IV.

Chi phí vận chuyển tăng cao, hàng tồn kho lớn khiến nhiều quốc gia sản xuất rơi vào tình cảnh hỗn loạn do thiếu container. Sau đó, người tiêu dùng sẽ là bên chịu áp lực từ mức giá phi mã.

Min (Tổng hợp từ Thanh Niên/Tiền Phong/Café F)