Dân sinh

Cảnh báo mạo danh tên gọi bệnh viện lớn để quảng cáo cho cơ sở làm đẹp

Thời điểm cuối năm, hàng loạt cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu, thiết kế logo các bệnh viện lớn tại Tp.HCM để quảng cáo cho các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ.

Mạo danh bệnh viện lớn để hành nghề?

Ngày 21/12, đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết, mới đây bệnh viện liên tiếp nhận được phản ánh về tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu, nhái thiết kế logo Bệnh viện Quân y 175 để quảng cáo cho các cơ sở khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ.

Một fanpage lấy tên bệnh viện phẫu thuật 175 để quảng cáo trên mạng xã hội thu hút khách hàng.

Theo đó, nhiều trang fanpage, tài khoản Facebook, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng những từ khóa “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo, khiến người dân hiểu nhầm.

Người dân hết sức cẩn thận khi làm các dịch vụ thẩm mỹ mang thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Những hành vi giả mạo, mượn danh bệnh viện lừa bệnh nhân có thể gây rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ.

Để tránh tình trạng này tiếp diễn, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định: Bệnh viện Quân y 175 hiện đang sở hữu trang fanpage Bệnh viện Quân y 175 có dấu tích xanh. Đây là fanpage chính chủ, được công nhận và xác minh quyền sở hữu. https://www.facebook.com/BVQY175. Duy nhất 1 trang thông tin điện tử (website): https://benhvien175.vn.

Cơ sở khám chữa bệnh duy nhất tại địa chỉ số 786 đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, Tp.HCM, Hotline: 19001175. Bệnh viện Quân y 175 có Khoa Quốc tế và Khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình thực hiện các dịch vụ làm đẹp, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ.

Ngoài ra, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM cũng cho rằng, nhiều năm qua bệnh viện thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc một số cá nhân, tổ chức lấy hình ảnh, thương hiệu của Bệnh viện Chợ Rẫy để quảng cáo cho hoạt động khám chữa bệnh, các dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn Tp.HCM.

Đơn cử, với những cái tên fanpage như Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy….

Thậm chí, có một số trang fanpage còn dùng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo hoạt động khám chữa bệnh lấy tên thương hiệu Chợ Rẫy.

Bệnh viện đã nhận thông tin và phản hồi cho người nổi tiếng này hiểu rằng, đó là trang giả mạo của bệnh viện. Từ trước đến nay, bệnh viện không có cơ sở, trang fanpage nào khác như Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy…

Cần phân biệt cơ sở thẩm mỹ uy tín trước khi làm đẹp

Chia sẻ với PV, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc cho biết, thời gian vừa qua có hiện tượng thẩm mỹ hoạt động không phép, không chứng chỉ hành nghề, dẫn đến nhiều hệ lụy. Thậm chí, mới đây đã có ca tử vong do biến chứng từ phẫu thuật thẩm mỹ, cơ quan chức năng đang làm rõ.

Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM cũng liên tiếp thanh kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính nhiều cơ sở thẩm mỹ vi phạm, không có giấy phép hoạt động chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề…

Cơ sở làm đẹp lấy tên bệnh viện 175.

Ngoài ra, tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua rất xô bồ, không ai kiểm soát. Người ta có thể dùng hình ảnh ảo, ghép, viết bất cứ điều gì trên đó…

Đáng nói, có hiện tượng người ta tự cho mình là bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng, tự cho mình là cơ sở thẩm mỹ uy tín mà không ai kiểm chứng, quảng cáo làm cho người có nhu cầu làm đẹp không hiểu hết được. Chính vì vậy nhiều người nhầm lẫn giữa cơ sở thẩm mỹ uy tín và cơ sở thẩm liên kết với bác sĩ…

Để kiểm soát tình trạng này, theo TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, việc xử lý của cơ quan chức năng rất quan trọng, nhất là luật pháp.

Hiện nay, Sở Y tế Tp.HCM đã xử phạt hành chính rất nhiều, có trường hợp xử phạt nhiều lần, chủ đã đóng hoạt động. Tuy nhiên, đóng hoạt động tại cơ sở này thì họ mở chỗ khác, phạt hành chính hiện đang rất nhẹ, người vi phạm sẽ chỉ cần nộp tiền phạt.

 Một cơ sở làm đẹp lấy tên Chợ Rẫy khiến nhiều người hiểu nhầm là thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vấn đề làm sao cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm khắc, nếu không làm được, ta sẽ phải gặp những ca biến chứng chết người, và làm bát nháo thị trường phẫu thuật thẩm mỹ, ảnh hưởng tất cả những cơ sở thẩm mỹ uy tín, ảnh hưởng cả cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cho rằng, pháp luật phải nghiêm minh, ai làm sai phải bị xử lý thích đáng, cấm hành nghề bệnh viện, thậm chí làm người bệnh tử vong thì phải ở tù, lúc đó người ta mới sợ”, BS Tú Dung cho biết.

Người dân cũng cần hiểu rõ những tên gọi của các cơ sở làm đẹp gắn với những chức năng, quyền hạn khác nhau để quyết định có nên chọn địa chỉ làm đẹp cho mình hay không.

Chẳng hạn như: cơ sở chăm sóc da (Beauty ABC…) là không được tiêm chích bất cứ gì vào cơ thể, cơ sở phun xăm chỉ được dùng thuốc tê bôi trong phun xăm và không được phẫu thuật, tiêm chích….

Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được phép phẫu thuật gây tê, không thực hiện gây mê như căng da mặt, hút mỡ.

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trung bình. Bệnh viện thẩm mỹ được thực hiện đa chức năng, đầy đủ hơn.

“Có một điều hay nhầm lẫn là Thẩm mỹ viện, có thể chăm sóc da, có thể spa nhưng không được phẫu thuật, nhầm với bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ.

Do đó, khi vào làm đẹp những cơ sở này ta phải hỏi ở đây có được phép phẫu thuật thẩm mỹ hay không? Bác sĩ mổ là ai ? Bác sĩ đó có chuyên môn không, có chứng chỉ hành nghề hay không, chứng chỉ này được quyền mổ những gì, phòng khám có giấy phép hoạt động không? …

Đó là những quyền lợi mà bạn được phép hỏi, nếu trả lời không minh bạch tức là cơ sở đó có vấn đề”, BS Tú Dung chia sẻ thêm.

Nguyễn Lành