Thế giới

Căng thẳng tại Ukraine làm phức tạp thêm "bài toán" lãi suất ngân hàng

Trước sức ép từ giá hàng hóa tăng vọt, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều đang tỏ ra thận trọng.

Những diễn biến quân sự tại Ukraine trong tuần qua và các lệnh trừng phạt áp đặt nhắm vào Nga đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính. Điều này làm gia tăng những rủi ro và bất ổn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Việc hoạch định chính sách đã trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động do hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga chưa thực sự rõ ràng.

Rủi ro về lạm phát đã gia tăng đáng kể trong ngắn hạn. Nga và Ukraine đều là những quốc gia xuất khẩu thực phẩm và mặt hàng công nghiệp hàng đầu thế giới. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã bị gián đoạn do căng thẳng quân sự và các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Nga chiếm khoảng 11-13% lượng dầu xuất khẩu của thế giới và khoảng 25% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu. Ukraine từ lâu đã được xem như “giỏ bánh mì” vì đất đai trù phú. Quốc gia này chiếm đến 12% tổng lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Ông Arun Sundaram, chuyên gia tại công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, nhận định: “Mỹ không phải là đối tác thương mại quan trọng với Nga và Ukraine, nhưng vẫn có khả năng chịu tác động từ các quốc gia lớn khác phụ thuộc vào Nga và Ukraine”.

Mặc dù vào thời điểm hiện tại các lệnh trừng phạt không nhắm vào lĩnh vực năng lượng, nhưng nhu cầu về dầu xuất khẩu từ Nga đã sụt giảm. Nguyên nhân do một số tổ chức tài chính và người mua tỏ ra quan ngại về giao dịch với Moscow. Giá dầu đã tăng gần 45% kể từ đầu năm nay lên tới hơn 110 USD/thùng, trong khi giá lúa mì đã ở mức giá cao nhất kể năm 2008.

Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ xem xét giá thực phẩm và năng lượng tăng đột biến để hoạch định chính sách liên quan đến lạm phát. Lạm phát tại Mỹ và châu Âu hiện đã ở mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ, lạm phát cơ bản cũng vượt quá mục tiêu 2%.

Sự tăng vọt của giá hàng hóa đã gây sức ép buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Trước sức ép này, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều đang tỏ ra thận trọng.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tham dự phiên điều trần tại Capitol Hill, Washington, Mỹ, vào ngày 11/1/2022. Ảnh: CNBC.

Trong lời phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thừa nhận nguy cơ từ lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế nước này. Ông ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3, thay vì mức tăng 50 điểm cơ bản như một số quan chức trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) gần đây đã đề xuất. Tuy nhiên, ông Jerome Powell đã để ngỏ khả năng thắt chặt mạnh hơn nếu lạm phát cao vượt quá dự kiến ​​hiện tại của FED.

Một rủi ro khác mà FED phải đối mặt là giá dầu cao thường làm giảm nhu cầu tiêu dùng và làm chậm sự tăng trưởng kinh tế. Bởi khi người tiêu dùng phải chi tiêu cho nhiên liệu nhiều hơn thì sẽ giảm chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ khác. Nếu giá dầu vẫn ở mức cao trong một thời gian dài, điều đó đồng nghĩa rằng FED sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều để giảm nhu cầu.

Ngân hàng Emirates NBD thuộc sở hữu của chính phủ Dubai dự báo rằng ​​FED sẽ nâng lãi suất trong cả tháng 3 và tháng 5. Nguyên nhân vì Mỹ sẽ ưu tiên nhiệm vụ ổn định giá cả trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, tiền lương cũng tăng mạnh.

Châu Âu có thể phải chịu tác động lớn hơn từ gián đoạn thương mại và tác động của lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Theo hãng tin The National News, ECB có khả năng sẽ hạ thấp dự báo tăng trưởng đồng thời nâng mức dự báo lạm phát trong cuộc họp Ngân hàng vào tuần này. Các nước khu vực đồng Euro đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ cho người tị nạn. Điều này có thể dẫn đến ECB tăng phát hành nợ.

Phạm Hà Thanh (theo The National News, Aljazeera, CNBC)