Thế giới

Canada đối mặt nguy cơ suy thoái do lạm phát tăng cao

Theo Ngân hàng Trung ương Canada, nguy cơ suy thoái sẽ gia tăng nếu lạm phát cao ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Xu hướng sụt giảm giá hàng hóa đã khiến nhiều nhà phân tích và giao dịch hàng hóa bất ngờ, những người đã thúc đẩy lý thuyết rằng một trật tự kinh tế mới đang nở rộ, một trật tự sẽ cung cấp sức mạnh cho một siêu chu kỳ gợi nhớ về những năm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Như trong nhiều đợt bùng nổ đầu cơ trước đây, lãi suất tăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm của giá hàng hóa.

Giá đồng, thường được coi là thước đo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu, đã giảm 1/3 kể từ khi lập mức cao kỷ lục gần 5 USD/pound (1 pound = 0,454 kg) vào tháng 3/2022, trong khi giá nickel giảm hơn 50% trong cùng kỳ. Dầu thô Brent đã giảm giá 16% trong vòng hơn 1 tháng. Giá lúa mỳ cũng đã giảm 36% kể từ giữa tháng 5/2022.

Lãi suất cao hơn không chỉ làm giảm kỳ vọng về sức tăng trưởng toàn cầu, làm ảnh hưởng đến nhu cầu về kim loại và năng lượng, mà còn thúc đẩy các nhà đầu cơ tháo chạy khỏi lĩnh vực này.

Tính đến đầu tháng 6/2022, giá cổ phiếu của Teck Resources Ltd. - nhà sản xuất đồng và than luyện kim có trụ sở tại Vancouver - đã tăng hơn 50% trong năm nay, lên 57 CAD/cổ phiếu. Nhưng trong 6 tuần qua, giá cổ phiếu của Teck đã giảm 40%.

Phần lớn sự "thổi" giá trên thị trường hàng hóa được thúc đẩy bởi dự báo về nguồn cung hạn chế đối với nhiều kim loại và dầu khí. Thị trường trở nên căng thẳng khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, và sau đó các nền kinh tế lớn, bao gồm Canada và Mỹ, chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến dự báo nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên sẽ còn tăng mạnh hơn.

Điều mà các nhà giao dịch không lường trước được là các ngân hàng trung ương đã mạnh tay tăng lãi suất. Lãi suất tăng cao làm chậm nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế và có nguy cơ gây suy thoái.

Ngày 13/7, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 1%, lên mức 2,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/1998. BoC đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái sẽ gia tăng nếu lạm phát cao ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ra vòng xoáy tiền lương-giá cả.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó khăn do tiếp tục đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2,6% trong quý 2 vừa qua. Những diễn biến trong nền kinh tế Trung Quốc đã tác động lớn đến giá đồng, nguyên liệu được sử dụng nhiều trong phát triển bất động sản.

Đồng USD mạnh cũng đang đè nặng lên giá hàng hóa và là một nhân tố làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, giá nhiều hàng hóa hiện vẫn cao hơn so với thời điểm đầu năm, bao gồm cả dầu mỏ - mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của Canada.

Một thông tin đáng chú ý nữa là theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các hộ gia đình Canada có tỉ lệ nợ/thu nhập khả dụng cao hơn 65% so với người Mỹ và gần 20% so với ở Anh.

Trong khi đó, giá nhà của Canada cao hơn trung bình 15% so với giá nhà ở Mỹ và cao hơn khoảng 25% so với mức trung bình của OECD. Điều này có nghĩa lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ làm "tổn thương" người dân Canada nhiều hơn.

Một số chuyên gia kêu gọi chính phủ Canada cần nhanh chóng hành động. Đầu tiên, cần ngay lập tức cắt giảm chi tiêu của Chính phủ từ 5-10% để giảm lực cản tài khóa đối với chính sách tiền tệ.

Thứ hai, thành lập Bộ chuyển đổi kỹ thuật số để đánh giá và xem xét tất cả các dịch vụ của chính phủ và thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số.

Giống như ở khu vực tư nhân, số hóa có thể cắt giảm 10-20% chi tiêu, tạo ra mức tăng năng suất cần thiết, thúc đẩy đầu tư và giải phóng nguồn vốn cho các nhu cầu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cuối cùng, chính phủ phải công bố kế hoạch trả nợ cụ thể, không “neo” nợ vào GDP.

Minh Hoa (t/h)