Sự kiện

Cần xử lý nghiêm cán bộ CDC giả chữ ký, “cấp” giấy xét nghiệm Covid-19

Việc 1 cán bộ CDC Hải Dương giả chữ ký lãnh đạo để “cấp” giấy xét nghiệm phòng dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay, khiến dư luận rất bức xúc.

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vừa tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (33 tuổi, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là cán bộ trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, để điều tra về hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, trong quá trình làm việc, một số người khai nhận, đã được Nguyễn Tùng Lâm (cán bộ CDC Hải Dương) tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cấp giấy kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Lâm khai, đã tự lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu, sau đó làm giả chữ ký của lãnh đạo, rồi đóng dấu, cấp giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho gần 40 trường hợp, nhằm thu lời bất chính. Trung bình mỗi trường hợp, Lâm thu từ 200-700 nghìn đồng.

Trước thông tin trên, dư luận cho rằng, hành vi của cán bộ CDC Hải Dương Nguyễn Tùng Lâm là rất đáng lên án. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hành vi của Lâm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, do đó cần xử lý thật nghiêm để làm gương cho những trường hợp khác.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện những giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch. Ðó còn là sự chung tay, góp sức cùng cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh ý thức chủ động phòng bệnh thì vẫn còn một bộ phận người dân không hợp tác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, hay như trường hợp cán bộ CDC Hải Dương Nguyễn Tùng Lâm làm giả các giấy xác nhận xét nghiệm phòng dịch là rất nguy hại. Những hành vi trên có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế, xã hội rất lớn”.

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích: “Với hành vi lấy mẫu và cấp giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho gần 40 trường hợp, sau đó tự làm giả chữ ký của lãnh đạo để thu lời bất chính gần 10 triệu đồng của Nguyễn Tùng Lâm đã có đầy đủ dấu hiệu hình sự. Theo đó, tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có 3 khung hình phạt và một quy định về hình phạt bổ sung”.

Đối tượng Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan công an.

Vị luật sư phân tích: “Đối với tội danh trên, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm. Còn hình phạt bổ sung là người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng”.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình: “Ngoài ra, nếu việc tạo ra các giấy xác nhận xét nghiệm này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý thêm tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự. Khung cao nhất có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Luật sư Bình nhấn mạnh: “Như vậy, cán bộ CDC Hải Dương - Nguyễn Tùng Lâm có thể đối diện với 2 tội danh trong các tình huống pháp lý trên.

Bên cạnh đó, đối với những người mua giấy xét nghiệm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Còn nếu những người này làm lây lan dịch bệnh thì cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).