Góc nhìn luật gia

Cần xét xử công khai vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy

Đến thời điểm này, vụ án Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy vẫn đang khiến dư luận xôn xao dù Công an quận 4, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Mới nhất, nhiều người quan tâm, vụ án sẽ được xử kín hay công khai?

Liên quan đến vụ việc luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã nêu quan điểm: “Kết luận điều tra số 45 ngày 15/05/2019, nêu rõ, đây là vụ án “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” do Nguyễn Hữu Linh thực hiện, hành vi của bị can đã xâm phạm trực tiếp đến nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương, bản thân bị cáo Nguyễn Hữu Linh từng là người làm lãnh đạo trong cơ quan tư pháp, nhưng vi phạm luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến xã hội, cần phải xử lý nghiêm để có tác dụng răng đe, giáo dục, ngăn ngừa chung.

Từ đó VKSND quận 4, TP.HCM đã ký ban hành Cáo trạng số 46/CT-VKS ngày 22/05/2019 và đã chuyển sang TAND quận 4 để truy tố ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Viện phó VKSND TP.Đà Nẵng, ngụ TP.Đà Nẵng) theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, với khung hình phạt 6 tháng đến 3 năm tù.

Vụ án đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bị can Linh đã bị truy tố và vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan đến việc thời gian xét xử và hình thức xét xử.

Về thời gian xét xử, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định tại Điều 277: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Ngoài ra đối với các vụ án phức tạp, Chánh án sẽ ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Đối chiếu với vụ án Nguyễn Hữu Linh, như phân tích của tôi ở trên, ông Linh bị truy tố với khung hình phạt cao nhất 3 năm tù, do đó xem là trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, thì thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 30 ngày đến 45 ngày.

Về xét xử theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự năm 2015, có quy định Tòa án xét xử kịp thời, bảo đảm công bằng, công khai, trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, tòa án xét xử công khai minh bạch, đảm bảo tính khách quan vô tư trong hoạt động xét xử…

Vừa qua, nhiều luồng dư luận cho rằng vụ án ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái sẽ được xét xử kín. Tôi thiết nghĩ xét xử kín áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai.

Xét xử kín có nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như trong trường hợp công khai; trừ Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín mà chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án, hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai.

Trong phiên tòa xét xử kín lưu ý kể cả nhà báo hay người thân của đương sự cũng không được tham dự. Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: "Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".

Điều 327 BLTTHS 2015 quy định về tuyên án thì đối với trường hợp xét xử kín khi tuyên án chỉ đọc phần quyết định trong bản án.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho rằng, đối với vụ án Nguyễn Hữu Linh, tòa án nên xét xử công khai.

Có dư luận cho rằng cần áp dụng Thông tư do Chánh án tòa án Tối cao có ban hành là Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018, quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Tại điểm d khoản 1 Điều 7 về việc xét xử vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi có quy định: "Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của BLTTHS 2015".

Thế nhưng, đây là vụ án “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” do Nguyễn Hữu Linh thực hiện, hành vi của bị can đã xâm phạm trực tiếp đến nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương. Bản thân bị cáo Nguyễn Hữu Linh từng là người làm lãnh đạo trong cơ quan tư pháp, nhưng vi phạm luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến xã hội, cần phải xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, ngăn ngừa chung, cần phải xét xử công khai.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM)