Giáo dục

Cần trả lại đúng vị trí của bậc học cao đẳng

Chuyên gia băn khoăn việc quy định hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp theo kiểu đào tạo nghề gây nhiều cản trở.

Sự phân chia loại hình đào tạo cao đẳng hiện nay đang phần nào đang gây ra những cản trở đối với người học, hạn chế cơ hội liên thông, dưới góc độ quản lý lại rơi vào tình trạng thiếu thống nhất trong cùng một lĩnh vực.

Nhìn lại quá trình hình thành hệ cao đẳng tại nước ta, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết loại hình đào tạo cao đẳng phát triển đặc biệt mạnh mẽ là từ khi đất nước đi vào thời kỳ đổi mới, khi giáo dục đại học Việt Nam được tiếp cận với nhiều xu hướng của giáo dục đại học thế giới.

“So với các loại trường cao đẳng khác loại hình trường cao đẳng nghề ra đời khá muộn (theo Luật Giáo dục 2005) nhưng đã được thành lập chủ yếu trên cơ sở nâng cấp từ trường trung cấp lên rất nhanh”, chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, ông Khuyến cũng nhận định khái niệm “cao đẳng” hoàn toàn không nhất quán trong suốt lịch sử giáo dục của Việt Nam.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Nét giống nhau của tất cả các mô hình cao đẳng ở Việt Nam, cả trong thời kỳ Pháp thuộc, dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới thời chính quyền Sài gòn, cũng như ở thời kỳ đất nước thống nhất sau 1975 là đều thuộc bậc giáo dục đại học. Chỉ riêng mô hình cao đẳng nghề theo Luật Giáo dục 2005 và cao đẳng theo Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 mới đi theo cấu trúc khác, không thuộc giáo dục đại học.

Đặc biệt, khi chuyển ngữ Việt – Anh, nhiều người nhầm lẫn dịch trường đại học là “University” còn trường cao đẳng là “College”. Trong khi theo chuyên gia, thực ra thuật ngữ “University”chỉ thường dùng để gọi các đại học đa lĩnh vực, còn thuật ngữ “College” áp dụng cho cả trường đại học (Senior college, 4 year college) lẫn trường cao đẳng (Junior college, 2 year college, Community college).

Theo chuyên gia việc xây dựng mô hình cao đẳng như hiện nay gây cản trở không nhỏ trong quá trình đào tạo liên thông, đặc biệt khi người học muốn học lên bậc đại học. Với thị trường lao động, điều này lại khiến cho dây truyền sản xuất thiếu đi một vị trí việc làm trung gian, gây ảnh hưởng tới năng suất lao động.

Cùng với đó, về bản chất trình độ cao đẳng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thường là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải là giáo dục đại học, nó chỉ tương đương cấp độ 4 hoặc cấp độ thấp hơn của ISCED.2011 (PV: Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế do UNESCO ban hành ).

Trong khi đó các chương trình cao đẳng chuẩn phải được thiết kế nhất quán theo hướng nâng cao học vấn để bảo đảm tương đương cấp độ 5 của ISCED.2011- cấp độ đầu tiên thuộc giáo dục đại học.

“Cần có sự thống nhất trong quản lý để đảm sự liên thông, mỗi lĩnh vực nên chỉ có một cơ quan quản lý. Cùng với đó nếu loại cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học, cùng với áp lực giảm quy mô tuyển sinh vào đại học thì hậu quả tất yếu sẽ là đưa giáo dục dại học Việt Nam chỉ có một số ít người tiếp cận, điều này chỉ thích ứng với nền kinh tế trước công nghiệp hóa”, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế do UNESCO ban hành được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:

Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non

Cấp độ 1 cho tiểu học

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề; Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề)

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học

Cấp độ 5 cho cao đẳng

Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương

Cấp độ 7 cho thạc sĩ

Cấp độ 8 cho tiến sĩ.