An ninh - Hình sự

Cần Thơ: Truy tố nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hối lộ tiền tỷ thanh tra giao thông

Để công việc kinh doanh vận tải được thuận lợi, các bị cáo đã chi ra số tiền không nhỏ để "lót tay" cho các cán bộ thanh tra giao thông ở Cần Thơ.

Trong phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 20/10/2017 liên quan đến vụ án thanh tra giao thông Cần Thơ nhận hối lộ số tiền 4,1 tỷ đồng, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt 9 bị cáo Đoàn Vũ Duy (nguyên đội trưởng đội thanh tra giao thông số 11) tù chung thân, Dương Minh Tâm (nguyên Phó chánh thanh tra giao thông) 10 năm tù, Võ Hoàng Anh (nguyên đội trưởng đội thanh tra giao thông số 3) 13 năm tù, Lý Hoàng Minh (nguyên đội phó đội thanh tra giao thông số 3) 9 năm tù, Nguyễn Trần Lưu (nguyên đội trưởng thanh tra giao thông quận Thốt Nốt), Trần Lập Pháp (nguyên cán bộ đội thanh tra giao thông quận Cái Răng) cùng 7 năm tù về tội Nhận hối lộ, hai “cò” Nguyễn Văn Cần 20 năm tù và Trần Tường An 7 năm tù cũng về tội "Nhận hối lộ".

Báo Giao Thông đưa tin, ngày 25/5, lãnh đạo cơ quan cảnh sát điều tra, công an TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ".

Các bị can trong vụ án này gồm: Nguyễn Thọ Điền (SN 1967, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lộc Phát An Giang), Huỳnh Anh Duy (SN 1986, Quản lý Công ty TNHH SX TM Thái Dương), Nguyễn Bá Kiệt (SN 1972, Chủ DNTN Minh Khang), Tống Thanh Triều (SN 1973, nguyên Giám đốc Tổng vụ Công ty CP vận tải xi măng Tây Đô), Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1989, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh chi nhánh Cần Thơ), Âu Thị Trúc Mai, nguyên điều hành xe Công ty TNHH Thủy Hồng Phát), Nguyễn Thành Phong (SN 1976, quản lý Công ty TNHH Thuận Thành Phong).

Các bị cáo tại phiên xét xử

Tiền Phong thông tin, từ một số nguồn tin tố giác tội phạm của người dân và quá trình điều tra của cơ quan chức năng đã phát hiện một số cán bộ thanh tra giao thông TP. Cần Thơ có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường bộ để kiểm tra nhưng không lập biên bản hoặc kiểm tra, lập biên bản xử lí với lỗi nhẹ hơn vi phạm quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Khi xe của những doanh nghiệp này hoạt động trên địa bàn TP. Cần Thơ, nhóm thanh tra giao thông hoặc là cán bộ thanh tra (đặc biệt là đội cơ động đường bộ) sẽ kiểm tra liên tục và trực tiếp gợi ý, hoặc dưới sự trợ giúp của “cò” ngoài xã hội gợi ý cho các xe này chi tiền để không kiểm tra hoặc kiểm tra nhưng không lập biên bản hoặc kiểm tra lập biên bản xử lý với lỗi nhẹ hơn thực tế vi phạm quy định của Luật giao thông.

Các tổ chức, cá nhân đã bị kiểm tra (rơi vào danh sách chú ý của thanh tra giao thông và cò) nếu không tự nguyện hoặc bị gợi ý nhưng không chi thì sẽ tiếp tục bị “làm khó” để ép buộc chi tiền. Tuy nhiên, khi đã chi tiền rồi nhưng không chi tiếp hoặc chi trễ thì “cò” sẽ chỉ điểm hoặc trực tiếp cán bộ thanh tra giao thông sẽ kiểm tra, xử lí hoặc làm khó bằng các lỗi cảm tính như: Bánh lốp không đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, biển số không rõ, rơi vãi trên đường… Nhiều cá nhân không đồng ý chung chi thì bị kiểm tra xử lí liên tục hoặc chi tiền quá cao dẫn đến thua lỗ phải ngưng, thậm chí chuyển qua địa bàn khác để kinh doanh.

Cụ thể, trường hợp của bị can Nguyễn Thọ Điền - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lộc Phát An Giang. Vào khoảng năm 2012, xe của ông Điền chở bia cho một hợp tác xã từ khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đến tỉnh An Giang thường xuyên bị đội thanh tra cơ động (thanh tra giao thông Cần Thơ) kiểm tra, lập biên bản xử phạt.

Qua thông tin, Điền làm quen với Bùi Văn Minh (Đội trưởng). Trong một lần đi nhậu, Điền nhờ Minh “giúp đỡ” cho những xe gắn logo Lộc Phát 3, biển số An Giang (xe của công ty Điền), Minh đồng ý và gợi ý nhờ Điền hỗ trợ lại chi phí tiếp khách khi cần với lý do là “không ai hỗ trợ tiếp”, “lương ít không đủ xài”.

Sau đó, mỗi lần Minh nhắn tin: “Cứu em tiếp khách anh ơi” hoặc “Cứu em đi khám bệnh anh ơi” thì Điền đều ước lượng rồi chuyển từ 20 - 30 triệu đồng vào số tài khoản của Minh. Tổng cộng, Điền đã chi cho Minh số tiền gần 350 triệu đồng. Đồng thời, việc chi tiền này là bị ép buộc, nếu không sẽ bị kiểm tra thường xuyên, lập biên bản, chi tiền trễ cũng bị xử phạt.

Tương tự, xe của Công ty cổ phần Bình Vinh chi nhánh Cần Thơ do bị can Nguyễn Thị Kim Dung làm Giám đốc thường xuyên bị kiểm tra, lập biên bản vi phạm phạt lỗi vỏ mòn, bình chữa cháy hư,… khi lưu thông qua Cảng Cái Cui (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Sau đó, Dung nhận được điện thoại từ Nguyễn Văn Cần (cò) xưng là thanh tra giao thông đặt điều kiện bồi dưỡng tiền cà phê, tiền nhậu cho đội. Sau đó, đôi bên thống nhất hàng tháng chi 8 triệu đồng cho thanh tra giao thông TP. Cần Thơ.

Với thủ đoạn, động cơ mục đích nói trên, các bị cáo đã chung chi cho thanh tra giao thông là hơn 2,1 tỉ đồng bằng cách chuyển khoản hoặc nhận tiền mặt. Cụ thể, Điền chi số tiền hơn 345 triệu, Duy chi hơn 147 triệu đồng, Kiệt chi 131 triệu đồng, Triều chi 154 triệu đồng, Dung chi 136 triệu đồng, Mai chi 297 triệu đồng, Phong chi hơn 892 triệu đồng.

Đăng Khoa (t/h)