Đối thoại

Chủ tịch Cơ điện lạnh REE: Cần tăng trách nhiệm của kiếm toán, định giá khi phát hành trái phiếu

“Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý”.

Xương sống, mạch máu của nền kinh tế

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE), thị trường vốn như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế.

Trong phần chia sẻ tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều 22/4, bà Mai Thanh cho biết, REE là công ty đầu tiên cổ phần hóa năm 1993, là công ty đầu tiên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2000. 

"Chúng tôi làm những điều này đầu tiên vì sự khát khao hành động và phải nỗ lực để thành công, nhằm thỏa lòng tự hào dân tộc và chứng minh chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước”, bà nói.

Bà Thanh bày tỏ, 10 năm đầu sau đổi mới, khủng hoảng kinh tế khu vực 1996-1997 đã đẩy lên thành khủng hoảng tiền tệ châu Á. Tại Việt Nam, tiền mất giá, lãi suất vay 24% đến 25%/năm, vốn là nguồn vốn chính hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. 

Trong hoàn cảnh đó, một Quỹ đầu tư nước ngoài là Dragon Capital đến gặp REE và đề nghị bảo lãnh phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế 5 triệu USD với lãi suất 4%/năm, P/E chuyển đổi là 10.

Vậy nhà đầu tư kỳ vọng gì ở REE?”, bà Thanh tự hỏi. “Đó là lợi nhuận trung bình 3 năm 1996, 1997, 1998 là 1 triệu USD/năm để 5 triệu USD này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu chiếm 24% sở hữu tại REE. REE chấp nhận và cuối cùng đã đạt lợi nhuận tốt hơn (trung bình 1,3 triệu USD/năm), do vậy tỉ lệ chuyển đổi là 16% - giá trị vốn hóa của REE khoảng 32 triệu USD”, bà nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Nữ Chủ tịch REE cũng cho hay, ở thời điểm năm 1996, chưa có luật quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra quốc tế, REE đã mất 1 năm để có được sự chấp thuận của Bộ Tài Chính mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ. 

Đến năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời là một kênh huy động vốn rất hiệu quả với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ ra đời. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ là vào thời điểm đó và vài năm sau đó. Nhưng đến thời điểm giờ có thể bổ sung hay cập nhật thêm lên, bởi vì những phát sinh từ thực tế rất nhiều. 

Chủ tịch Mai Thanh bày tỏ: “Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý". 

Nhà đầu tư quan tâm đến sự minh bạch

Có thể khẳng định các luật định gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số 153 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 122 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153 của Chính phủ. 

Khuôn khổ pháp lý cho việc doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp một cách rõ ràng và chặt chẽ. 

Tại REE, đã có nhiều đợt phát hành cổ phiếu mới ra thị trường cũng như công chúng và gần đây phát hành 2 đợt trái phiếu gồm: Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 1.000 tỷ đồng và 100 triệu USD nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển công suất điện năng lượng tái tạo, nước sạch và bất động sản văn phòng cho thuê. 

Nhà đầu tư quan tâm và giao dịch thành công bao gồm: Quỹ đầu tư, các Công ty bảo hiểm, Ngân hàng...

Tất cả họ đều quan tâm đến tính minh bạch trong công bố thông tin – cam kết của tổ chức phát hành trái phiếu và chúng ta phải có một tổ chức để giám sát tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, là tính khả thi đã được chứng minh trong quá khứ được thể hiện trên kết quả báo cáo tài chính hợp nhất và đặc biệt các tổ chức phát hành là công ty niêm yết, qua đó nhà đầu tư - trái chủ có thể kiểm chứng thông tin dễ dàng”, bà Mai Thanh nói.

Người đứng đầu Cơ điện lạnh REE cho rằng, bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn.

“Đây cũng là lý do chính vì sao REE đã xung phong niêm yết đầu tiên. Phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao”, bà khẳng định.

Với số vốn tích lũy được trên 16.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo REE quyết định nâng mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, cân đối hợp lý việc huy động nguồn vốn vay, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để tiếp tục phát triển công suất trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nước và môi trường.

Mai Thanh nói rằng, hơn ai hết, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả. Cuối cùng thì câu trả lời phải bảo đảm trả lãi và vốn đúng hạn. 

Doanh nghiệp này kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp đã chệch hướng như thông tin đã được công bố. Về pháp lý, cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản. 

Nói tóm lại, các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào cần được tiếp tục củng cố và phát huy”, bà Mai Thanh nhấn mạnh.

Gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, bà Mai Thanh mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể tiếp tục dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.