Đối thoại

Cần quy định uống rượu, bia vượt quá ngưỡng cho phép mới phạt

Theo các chuyên gia, luật sư, ĐBQH một số quốc gia cũng quy định khi người tham gia giao thông uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới phạt.

Cấm tuyệt đối là không nên

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được được đưa ra Quốc hội thảo luận. Trong đó, hành vi bị nghiêm cấm nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Xoay quanh nội dung này hiện có nhiều ý kiến trái chiều, một số ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối theo tờ trình của Chính phủ. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại nêu quan điểm uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới cấm, mới phạt.

Nên quy định uống rượu bia ở ngưỡng nào đó vượt mức thì mới bị xử phạt.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho hay, ông cũng đã theo dõi phần chia sẻ của các Đại biểu tại Quốc hội, ông Vinh cho rằng: “Đúng là hôm trước uống rượu mà hôm sau thổi vẫn có cồn và bị phạt như vậy là thiếu tính thực tiễn”.

Theo vị luật sư, khi xây dựng luật cần phải đánh giá tổng thể và phù hợp với tình hình thực tế.

LS.Vinh cũng nêu dẫn chứng một số quốc gia cũng quy định khi người tham gia giao thông uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới phạt.

“Tôi cho rằng nên quy định việc uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới phạt. Còn giới hạn là bao nhiêu thì phải trên cơ sở thực nghiệm khoa học, như vậy mới phù hợp với thực tiễn”, ông Vinh nêu quan điểm.

Cũng có ý kiến cho rằng không thể vin vào văn hóa truyền thống bao đời nay của Việt Nam khi ăn uống là phải có rượu bia mà phải quy định ngưỡng uống bao nhiêu rượu bia khi tham gia giao thông mới bị phạt, mà nên cấm tuyệt đối.

Nêu quan điểm của mình về ý kiến này, LS.Vinh cho rằng chúng ta không nói đến văn hóa mà ở đây cần phải xem thực tiễn trên thế giới họ áp dụng xử phạt đối với vấn đề này thế nào.

Trong khi đó, PGS, TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế đồng tình với việc nên quy định uống rượu bia ở ngưỡng nào đó vượt mức thì mới bị xử phạt.

“Ở các nước trên thế giới quy định người tham gia giao thông vượt quá ngưỡng quy định cụ thể thì bị xử phạt. Do đó, ở Việt Nam cấm tuyệt đối như vậy là không nên”, ông Long nêu ý kiến.

Có việc làng, xã uống chút rượu, bị phạt... rất tội

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng đối với người uống rượu, bia khi tham gia giao thông cần phải có tính toán các mức độ, hành vi vi phạm khác nhau, cần có lộ trình.

“Có những người nhiều lần uống rượu liên tục mà vẫn tham gia giao thông…lực lượng chức năng đều có hồ sơ lưu lại số lần vi phạm của những người này. Do đó, cần xem tần suất vi phạm để có mức xử phạt khác nhau cho phù hợp”, bà Sửu nêu ý kiến và cho rằng không nên cứng nhắc câu chuyện xử phạt.

Nữ đại biểu nêu dẫn chứng, có những trường hợp rất tội vì có lý do chính đáng, câu chuyện truyền thống như làng, xã bao giờ cũng có kỵ giỗ, lễ lạt đôi khi cũng nằm ngoài ý muốn cộng với truyền thống không thể bỏ được thì vẫn có thể uống chút rượu bia và khi tham gia giao thông thì bị phạt. 

Do đó, câu chuyện ở đây là làm sao để người dân ý thức được việc đã uống rượu bia là không điều khiển giao thông.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến.

“Về xử phạt vi phạm người lái xe mà sử dụng nồng độ cồn thì theo tôi cần phải tính tùy từng mức độ chứ không áp một mức cứng nhắc như nhau”, bà Sửu cho biết.

Theo bà Sửu, việc đo nồng độ cồn có thiết bị đo nhưng cần quy định cụ thể nồng độ cồn trong người là bao nhiêu? Vì thức ăn lên men cũng có thể có nồng độ cồn. Do đó, cần có khung quy chuẩn chung mức tối thiểu và tối đa.

“Tôi đồng tình với ngưỡng cần có mức cụ thể nồng độ cồn trong người vượt quá bao nhiêu thì mới xử phạt, còn lại nhắc nhở, giáo dục, tuyên truyền. Không có nghĩa mức phạt cao thì sức răn đe và hiệu quả giáo dục cao mà mức phù hợp, hợp lý nhất thì mới thuyết phục được người vi phạm”, bà Sửu nêu quan điểm và cho rằng điều quan trọng nhất là kết hợp tuyên truyền làm sao người lái xe lần này vi phạm và lần sau không vi phạm nữa. Đây mới chính là giá trị mang lại của hình thức xử phạt về trật tự an toàn giao thông.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng để quyết định uống rượu, bia ở ngưỡng bao nhiêu cho phép mà vẫn lái xe được thì rất khó. Do đó, cần có nghiên cứu thêm trên nhiều phương diện từ yếu tố sức khỏe đến tâm sinh lý, nghiên cứu đánh giá tác động thật kỹ lưỡng.

Điều 8 dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cân nhắc nội dung này vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương".

Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, một số thành viên khác của Ủy ban lại nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.