Góc nhìn luật gia

Cần phải xem xét lại hành vi của 79 CSGT, TTGT khi tồn tại tình trạng “xe vua” trong thời gian dài

Vụ án “Xe vua” vừa được đưa ra xét xử sơ thẩm tuyên không xử lý đối với 79 Cảnh sát giao thông (CSGT) Thanh tra Giao thông ( TTGT) bị tố cáo nhận hối lộ, đã gây bức xúc trong dư luận.

Xung quanh vụ án đang gây tranh luận xôn xao trên truyền thông và các diễn đàn mạng nói trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật gia, Luật sư Trần Đình Dũng (trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Trần Đình Dũng 

PV: Mấy ngày qua, trên các diễn đàn mạng và trên nhiều tờ báo, nhiều ý kiến tranh luận về việc tòa án không đưa vào xử lý đối với 79 CSGT, TTGT bị tố cáo nhận hối lộ, trong khi có người bị xử tội “Đưa hối lộ” và “Môi giới hối lộ”, luật sư có cho rằng như thế là bất hợp lý không?

Luật sư Trần Đình Dũng: Trên báo chí và nhiều diễn đàn mạng, trong mấy ngày qua đã quan tâm rất đặc biệt đối việc 79 TTGT, CSGT thoát tội trong vụ “logo xe vua” là xuất phát từ nguyên nhân dư luận đang bức xúc quá mức về tình trạng “làm luật” của lực lượng CSGT hiện nay.

Thời gian qua, báo chí cũng đăng tải rất nhiều trường hợp CSGT bị xử lý, phạt nặng do nhận hối lộ trên đường.

Việc trong vụ án chỉ tuyên phạt đối tượng đưa hối lộ mà không có nhận hối lộ, thực tiễn tố tụng hình sự cũng diễn ra nhiều và không phải trường hợp nào cũng bất hợp lý.

Điều đáng lưu ý là trường hợp nào mới xác định “có hành vi đưa hối lộ” mà không có “hành vi nhận hối lộ” chứ không phải tùy tiện áp dụng pháp luật mà bỏ sót tội phạm.

PV: Luật sư có thể nói cụ thể hơn ý kiến của mình về các trường hợp như thế nào thì “có đưa hối lộ” và kéo theo phải “có nhận hối lộ”?

Luật sư Trần Đình Dũng: “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ” là 3 hành vi hoàn toàn khác nhau trong pháp lý, được Bộ Luật Hình sự 2015 chia thành 3 tội danh khác nhau lần lượt là Điều 364, Điều 365 và Điều 354.

Để rõ hơn vấn đề pháp lý, tôi xin diễn giải thêm về mặt khái niệm tội danh trong luật hình sự đối với các trường hợp hối lộ. Đưa hay nhận trong hối lộ đều có chung yếu tố mục đích là “để làm hoặc không làm một việc”.

Chẳng hạn như đưa tiền để bỏ qua không tịch thu hàng hóa, thì yếu tố “cho qua không tịch thu” là mục đích của bên đưa, và cũng là mục đích nhận tiền của bên nhận.

Như vậy, khi việc mà bên đưa yêu cầu thực hiện đã được thực hiện thì khó có thể cho rằng nó thuộc trường hợp có “Đưa hối lộ” mà không có “Nhận hội lộ”.

Trong thực tiễn công tố tội phạm, trường hợp chưa “hoàn thành cấu trúc toàn bộ đưa, môi giới và nhận” khá nhiều. Trong đó không ít trường hợp chỉ mới ở hành vi đưa. Chẳng hạn bà A đưa tiền cho ông B để ông B “lo” cho cán bộ bỏ qua không xử lý nhà xây dựng trái phép mà theo quy định phải cưỡng chế tháo dỡ, nhưng sau đó nhà bà A vẫn bị cưỡng chế.

Trong tình huống này bà A có dấu hiệu của “Đưa hối lộ”, ông B có thể là “Môi giới hối lộ” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng chưa hình thành việc “Nhận hối lộ” do công vụ cưỡng chế vẫn được thực hiện đúng.

Trở lại sự việc 79 CSGT, TTGT theo thông tin trên báo chí thì hành vi “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ” đã được xử lý làm rõ và yêu cầu của bên đưa là “cho các xe mang logo đã định sẵn đi qua không kiểm tra” và yêu cầu này đã được thực hiện nhiều lần trong thời gian dài. Tôi cho rằng cần phải xem xét lại hành vi của 79 CSGT, TTGT khi tồn tại tình trạng “xe vua” trong thời gian dài đã không bị kiểm tra, xử lý. Nếu đúng như báo chí phản ánh, thì đây chính là vấn đề có dấu hiệu của tội phạm.

PV: Lý do tòa án không xử lý các CSGT, TTGT là “quá trình khởi tố và truy tố không đưa những người này vào tham gia tố tụng trong vụ án nên HĐXX không xem xét tới 79 người này” có đúng quy định pháp luật hay không thưa ông?

Luật sư Trần Đình Dũng: Phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Khi có căn cứ cho rằng có người khác có hành vi mà Bộ Luật Hình sự quy định là tội phạm thì HĐXX phải căn cứ vào Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ hành vi của những người này. Nếu như sau khi điều tra mà hành vi của họ không vi phạm pháp luật thì không xử lý, còn có vi phạm thì xử lý theo trình tự chung.

Việc xử lý những người có liên quan trong vụ án do lời khai của người tham gia tố tụng hoặc do phát hiện được từ những tình tiết khác, không liên quan tới việc quá trình điều tra và truy tố có đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án hay không.

PV: Xin cảm ơn luật sư!